Tất yếu ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước

14:08 | 07/04/2020

Ngày 15/11/2018, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Luật chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020. Đây là văn bản pháp lý quan trọng, được ban hành thay thế Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

Trước đó, Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước số 30/2000/PL-UBTVQH10 (sau đây gọi là Pháp lệnh) được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa X thông qua ngày 28/12/2000 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2001. Triển khai thực hiện Pháp lệnh, công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã đạt nhiều kết quả quan trọng, ý thức trách nhiệm bảo vệ bí mật nhà nước của các cấp, các ngành, của cán bộ, nhân dân được nâng cao; các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương đã xây dựng danh mục bí mật nhà nước, quy chế bảo vệ bí mật nhà nước và tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước; các cơ quan chức năng đã được kiện toàn về tổ chức, làm tốt công tác hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, xử lý vi phạm; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn nhiều âm mưu, hoạt động thu thập bí mật nhà nước của các thế lực thù địch.

Những kết quả đạt được nêu trên đã góp phần giữ vững ổn định chính trị, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Tuy nhiên, qua thực tiễn thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước những năm qua và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy nhiều quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp, cần phải sửa đổi, bổ sung. Theo đó, để đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự trong tình hình hiện nay, việc ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là rất cần thiết, bởi các lý do sau đây:

Một là, sửa đổi, bổ sung các quy định của Pháp lệnh không còn phù hợp dẫn đến bất cập, khó khăn trong thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước: Khái niệm bí mật nhà nước còn chung chung, liệt kê gây khó khăn cho việc xác định, quản lý và sử dụng; Phạm vi bí mật nhà nước xác định theo từng cấp độ (Tuyệt mật, Tối mật, Mật) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên việc lập danh mục của các cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; Đối tượng thuộc diện lập danh mục bí mật nhà nước chưa bảo đảm tính khả thi; Thẩm quyền, điều kiện, trình tự, thủ tục in, sao, chụp, nghiên cứu, phổ biến, cung cấp, chuyển giao và giải mật bí mật nhà nước còn thiếu, chưa bảo đảm tính công khai minh bạch; Chưa quy định cụ thể về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ bí mật nhà nước nên việc đàm phán, ký kết và thực hiện các hiệp định về bảo vệ bí mật nhà nước còn hạn chế; Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước chưa cụ thể dẫn đến nhận thức của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức nhà nước và nhân dân còn chủ quan, mất cảnh giác, làm giảm chất lượng, hiệu quả của công tác này.

Theo thống kê, từ năm 2001 đến nay, phát hiện hơn 840 vụ lộ, mất bí mật nhà nước. Trong đó, nhiều tài liệu thuộc danh mục Tuyệt mật, Tối mật liên quan đến đường lối, chủ trương, chính sách đối ngoại của Đảng, Nhà nước; chủ trương giải quyết các tranh chấp về biên giới, biển đảo. Hình thức lộ, mất bí mật nhà nước chủ yếu là qua thông tin, liên lạc; báo chí, xuất bản; quan hệ quốc tế... Một trong những nguyên nhân của việc lộ, mất nêu trên là do hệ thống pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước còn chưa đồng bộ; các chế tài xử lý còn thiếu và yếu, chưa bảo đảm tính răn đe; việc xử lý vi phạm còn nể nang, thiếu chủ động.

Hai là, khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: “Quyền con người, quyền công dân chỉ bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”. Trong khi đó, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước có liên quan trực tiếp đến việc bảo đảm quyền con người, việc hạn chế quyền tiếp cận thông tin của công dân chỉ mới được quy định ở văn bản pháp lý cao nhất là Pháp lệnh.

Vì vậy, ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013, vừa bảo đảm cho hoạt động giữ gìn an ninh, trật tự được thuận lợi, vừa bảo đảm quyền con người, quyền công dân được thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Bên cạnh đó, việc ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước sẽ bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật (Luật An toàn thông tin mạng, Luật Tiếp cận thông tin, Luật Lưu trữ, Luật Cơ yếu, Luật An ninh mạng).

Ba là, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn công tác bảo vệ bí mật nhà nước và yêu cầu của quá trình hợp tác quốc tế của Đảng và Nhà nước ta hiện nay, cần thiết phải ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước nhằm bảo đảm sự tương thích với các Hiệp định bảo vệ tin mật giữa Việt Nam và các nước; phù hợp với điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên; đáp ứng yêu cầu nội luật hóa, tạo cơ sở cho việc thực hiện các cam kết của Việt Nam, thúc đẩy hội nhập quốc tế và hợp tác quốc tế trong phối hợp chia sẻ thông tin, trong đó có thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh quốc tế ngày càng trở nên phức tạp, khó lường, các thế lực thù địch, tội phạm trong và ngoài nước không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá Việt Nam nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Để thực hiện các mục tiêu này thì hoạt động tình báo, gián điệp để lấy cắp, chiếm đoạt bí mật nhà nước được đặc biệt chú ý. Trước tình hình phức tạp nêu trên, từ mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đảng, Nhà nước ta về bảo vệ bí mật nhà nước trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo; đồng thời, để hoàn thiện cơ sở pháp lý về bảo vệ bí mật nhà nước nên việc ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước là khách quan và cần thiết.