Theo đó, UBND các quận, huyện sẽ sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản để gửi các loại văn bản (trừ văn bản mật). Toàn bộ văn bản sẽ được gửi qua mạng, bao gồm: giấy mời họp nội bộ; tài liệu phục vụ họp; văn bản để biết, để báo cáo; thông báo chung của cơ quan, các tài liệu cần trao đổi trong quá trình xử lý công việc; lịch công tác cơ quan; công văn; thông tin chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo. Riêng các loại văn bản (gồm tờ trình, quyết định) được gửi qua mạng, đồng thời gửi bản giấy.
Sở Thông tin và Truyền thông Tp. Hồ Chí Minh được giao cung cấp chữ ký điện tử cho các đơn vị và cá nhân; hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị trong việc ứng dụng chữ ký điện tử trong phát hành văn bản điện tử qua mạng; báo cáo tình hình sử dụng chữ ký điện tử và liên thông văn bản điện tử của các đơn vị.
Ngoài ra, các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện cần thực hiện đăng ký chữ ký số của đơn vị và chữ ký số cá nhân cho các đối tượng: Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Giám đốc, Phó giám đốc, Chánh Văn phòng với Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 26/5/2017.
Được biết, đến nay TP. Hồ Chí Minh có 300 thủ tục dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 triển khai cho 24 quận, huyện, tập trung các nhóm lao động, kinh tế, đất đai, xây dựng và hộ tịch. Trong 10 sở, ngành của TP. Hồ Chí Minh đã đưa vào sử dụng dịch vụ công trực tuyến thì Sở Giáo dục và Đào tạo có tỷ lệ nộp hồ sơ xử lý thông qua dịch vụ công trực tuyến chiếm tỷ lệ cao nhất là 73%, Sở Công Thương 68%; Sở Giao thông vận tải chiếm 59%; Sở Kế hoạch và Đầu tư chiếm 38%, Sở TT&TT chiếm 31%...