TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA chụp ảnh kỷ niệm cùng các chuyên gia tại buổi thảo luận
Mở đầu buổi thảo luận, ông Đỗ Công Anh, Phó Cục trưởng Cục Tin học hóa cho biết, bản Dự thảo giới thiệu với VDCA là phiên bản thứ 4 của Nghị định. Dự thảo chỉ đề cập về chia sẻ dữ liệu của các cơ quan nhà nước và gợi mở ra những việc mà các Bộ, ngành khác phải có chính sách cụ thể cho dữ liệu do mình quản lý.
Là cơ quan được mời tham gia xây dựng dự thảo Nghị định, PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh, giảng viên khoa Đa phương tiện, Học viện Bưu chính Viễn thông cho biết, Dự thảo Nghị định phải quy định các nguyên tắc cơ bản về dữ liệu mở trong các cơ quan nhà nước. Theo đó, các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương đều phải có cơ chế, lộ trình chia sẻ và tiếp nhận dữ liệu chung. Sẽ có 5 mức dữ liệu với định dạng đóng (PDF), dữ liệu cơ bản có cấu trúc (XLS), dữ liệu mở phi cấu trúc (Open Doc), dữ liệu định nghĩa được toàn bộ (RDF) và dữ liệu liên kết được với nhau (Link Data).
ThS. Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và truyền thông (IPS) đã đặt ra một số câu hỏi với các chuyên gia soạn thảo xung quanh các vấn đề về chủ quyền dữ liệu, lộ trình mở kho dữ liệu, quyền tiếp cận cho các đối tượng có nhu cầu, phí sử dụng dữ liệu... Tiếp đó là vấn đề an ninh và trách nhiệm, phân loại và phân tầng, quyền riêng tư, cơ sở pháp lý về việc cho phép thu phí sử dụng dữ liệu...
PGS.TS Hoàng Hữu Hạnh cho biết, cơ sở dữ liệu công dân hiện do Bộ Công an quản lý và Bộ Công an phải có trách nhiệm xây dựng nghị định riêng cho vấn đề này. Riêng về lĩnh vực y tế, các dữ liệu của ngành này cũng liên quan đến cơ sở dữ liệu dân cư để xác định các bệnh của người dân có liên quan đến yếu tố môi trường hay không. Về cơ bản, tất cả các Bộ, ngành, địa phương đều phải có chính sách riêng về chia sẻ dữ liệu và các chính sách này phải đồng bộ với chính sách chung của Chính phủ.
Kết luận cuộc họp, TS. Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch VDCA cho biết, VDCA sẽ tiếp thu những ý kiến đóng góp về Dự thảo Nghị định về Chia sẻ Dữ liệu số và sớm chính thức có văn bản góp ý với cơ quan soạn thảo nhằm hoàn chỉnh dự thảo trong thời gian sớm nhất có thể.