Thủ thuật sao chép và dán
Được phát hiện bởi Kaspersky Lab, cuộc tấn công này được gọi là CryptoShuffler, sử dụng một chiến thuật đơn giản để đánh cắp bitcoin mà người dùng không nghi ngờ.
Nhiều người dùng có thói quen sao chép và dán mã ví điện tử của người nhận khi giao dịch để khỏi mất công ghi nhớ cả chuỗi ID. Lợi dụng thói quen này, tin tặc sẽ chạy mã CryptoShuffler để đánh lừa người dùng.
Theo đó, CryptoShuffler sẽ chặn chuỗi đã được sao chép và thay thế bằng một chuỗi khác liên kết trực tiếp đến ví tiền của tin tặc. Nếu người dùng không kiểm tra cẩn thận mã ví của người nhận sau khi dán, tin tặc sẽ nhận được khoản tiền đó.
Hiệu quả của CryptoShuffler cho thấy, không cần phải làm phiền người dùng bằng pop-up quảng cáo, hay tin nhắn tiền chuộc, tin tặc vẫn hoạt động triệt để nhất có thể chỉ bằng cách theo dõi quá trình giao dịch và người dùng không nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.
Đề phòng khi giao dịch tiền điện tử
Các mối đe dọa trên không phải là tất cả. Hãng truyền thông BBC (Anh) lưu ý rằng, phần mềm độc hại khai thác tiền điện tử đang nhanh chóng trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Google Chrome hiện đang cân nhắc triển khai hệ thống phòng thủ để bảo vệ các thiết bị chống lại các mỏ khai thác bitcoin.
Trong khi đó, bằng cách khai thác hành vi dựa trên thói quen thay vì tấn công hệ điều hành, CryptoShuffler đã đạt được mục đích nhanh chóng hơn và giảm đáng kể khả năng bị phát hiện.
Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến người dùng nếu như họ không cẩn thận và không chú ý theo dõi quá trình. Người dùng nên xem xét việc hạn chế sao chép và dán khi giao dịch, thay vào đó là dành thời gian để nhập từng mã và từng mục dành cho người nhận.
Ngoài thủ thuật trên, Kaspersky còn xác định được mã độc Trojan-Banker.Win32.CryptoShuffler.gen đang cố gắng lừa người dùng mở các tập tin tự động tải xuống hoặc tài liệu đính kèm email.