Thủ tướng chỉ thị tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng

09:41 | 08/06/2019
ĐT

Thủ tướng vừa có Chỉ thị về việc tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.

Chỉ thị nêu rõ, thời gian vừa qua, hành lang pháp lý về an toàn, an ninh mạng của Việt Nam từng bước được hoàn thiện. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thi hành pháp luật về an toàn, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng và chế tài xử lý vi phạm còn chưa đầy đủ.

Việc xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực an toàn thông tin mạng chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Hoạt động nâng cao năng lực, nhận thức và trách nhiệm về an toàn, an ninh mạng còn hạn chế....

Trong năm 2018 và đầu năm 2019 đã xảy ra một số cuộc tấn công mạng có chủ đích, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Chính vì vậy, xếp hạng của Việt Nam trong Báo cáo chỉ số an toàn, an ninh thông tin toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) của Liên minh Viễn thông Quốc tế (International Telecommunication Union - ITU) còn chưa cao. Theo xếp hạng chưa chính thức tháng 3 năm 2019 (cho giai đoạn 2017 - 2018), Việt Nam xếp thứ 50/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá, đứng thứ 5/11 trong khu vực Đông Nam Á.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước cần triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh mạng tổng thể nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần cải thiện hơn nữa xếp hạng của Việt Nam trong GCI.

Thủ tướng chỉ thị các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Ngân hàng thương mại Nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam và các tổ chức tín dụng, tài chính Nhà nước khác chỉ định, kiện toàn đầu mối đơn vị chuyên trách về an toàn thông tin mạng để làm tốt công tác tham mưu, tổ chức thực thi và kiểm tra, đôn đốc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn, an ninh mạng; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên trách về an toàn, an ninh mạng của Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng trong giám sát, chia sẻ thông tin, kiểm tra, đánh giá an toàn, an ninh mạng.

Đối với công tác giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo vệ hệ thống thông tin thuộc quyền quản lý, Thủ tướng yêu cầu phải tự thực hiện giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng, bảo vệ hệ thống thông tin thuộc quyền quản lý hoặc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp có đủ năng lực để thực hiện; thông báo thông tin đầu mối thực hiện giám sát, ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng về Bộ TT&TT để tổng hợp trước ngày 31/12/2019 và khi có sự thay đổi về thông tin đầu mối; kết nối, chia sẻ thông tin với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia trực thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT.

Đối với công tác kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng cho hệ thống thông tin thuộc quyền quản lý phải lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp độc lập với tổ chức, doanh nghiệp giám sát, bảo vệ để định kỳ kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng đối với hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên thuộc quyền quản lý hoặc kiểm tra, đánh giá đột xuất khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

Còn đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 và cấp độ 4, định kỳ hàng năm thực hiện kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ TT&TT trước ngày 14/12 để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Đối với hệ thống thông tin quan trọng quốc gia (cấp độ 5), định kỳ 06 tháng một lần thực hiện kiểm tra, đánh giá và báo cáo Bộ TT&TT trước ngày 14/6 và ngày 14/12 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng.

Ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước

Thủ tướng chỉ thị ưu tiên sử dụng sản phẩm, giải pháp, dịch vụ của doanh nghiệp trong nước đáp ứng yêu cầu về an toàn, an ninh mạng theo quy định của pháp luật đối với các hệ thống thông tin cấp độ 3 trở lên, các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Các cơ quan chức năng phải bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm và các dự án công nghệ thông tin (trong trường hợp chủ đầu tư chưa có hệ thống kỹ thuật hoặc thuê dịch vụ bảo đảm an toàn thông tin mạng chuyên biệt đáp ứng được các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ).

Sử dụng và quản lý khóa bí mật (USB token) của chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, chứng thư số, các giải pháp mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ theo đúng quy định; tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý về an toàn thông tin mạng, an ninh mạng, tội phạm mạng, bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển an toàn thông tin mạng; phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh mạng; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn thông tin mạng; kịp thời cung cấp thông tin, số liệu về pháp lý, kỹ thuật, tổ chức, nâng cao năng lực và hợp tác trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng phục vụ việc đánh giá, xếp hạng chỉ số GCI của ITU.

Triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng tổng thể trong cơ quan nhà nước

Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai giải pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng tổng thể trong cơ quan, tổ chức nhà nước, các biện pháp nâng cao thứ hạng của Việt Nam về an toàn, an ninh mạng trên thế giới; xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ an toàn thông tin mạng của Việt Nam, tổ chức đánh giá và công bố định kỳ hàng năm; cải thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách thúc đẩy an toàn thông tin mạng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về an toàn thông tin mạng quốc gia các giai đoạn tiếp theo.

Bộ Công an tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc lĩnh vực do Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý; phối hợp chặt chẽ với Bộ TT&TT trong hoạt động thẩm định cấp độ và bảo đảm an toàn thông tin cho các hệ thống thông tin quan trọng quốc gia.

Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp bảo mật thông tin bí mật nhà nước bằng mật mã kết hợp với việc triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, đáp ứng tốt yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin tổng thể của các cơ quan Đảng và Nhà nước; tăng cường bảo đảm an toàn, an ninh mạng đối với các hệ thống thông tin thuộc lĩnh vực do Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet (ISP) có trách nhiệm thiết lập, kiện toàn đầu mối đơn vị chuyên trách an toàn thông tin mạng trực thuộc để bảo vệ hệ thống, khách hàng của mình; tham gia hỗ trợ các cơ quan, tổ chức nhà nước giám sát, bảo vệ, kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin mạng dưới sự điều phối của Bộ TT&TT...