Thủ tướng: Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

10:17 | 28/08/2020
Đ.T ( Tổng hợp)

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh có tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh điều này tại Hội nghị trực tuyến của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) với các Ban Chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban Chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.

Tại Hội nghị, đại diện Bộ Y tế cho biết một trong những bài học quan trọng là sự quyết liệt của người đứng đầu. Đến nay Bộ Y tế đã hoàn thành cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. 100% bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT); 99,5% các cơ sở khám chữa bệnh đã kết nối giám định khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với cơ quan Bảo hiểm Xã hội Việt Nam,...

Cùng quan điểm, tỉnh Bình Phước cho rằng nơi nào người đứng đầu vào cuộc thật sự thì nơi đó có kết quả cao. Đến nay, 100% cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện được trang bị máy tính, cấp xã đạt 71%. Với sự quyết tâm của các cấp lãnh đạo, hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp tỉnh đến cấp xã được hoàn thiện.

UBND tỉnh đã yêu cầu cán bộ, công chức không nhận hồ sơ giấy khi thực hiện dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4; xử lý nghiêm đối với các trường hợp cố tình vi phạm. Tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đã tăng vượt bậc, từ 9% (trước ngày 19/5/2020) lên 97% (ngày 21/8/2020). Tỉnh Bình Phước đề xuất Chính phủ sớm hoàn thiện và chia sẻ cho địa phương sử dụng các cơ sở dữ liệu quốc gia như dân cư, đất đai, đăng ký kinh doanh...

Ý kiến của một số doanh nghiệp cũng cho rằng cần sớm hoàn thiện các hành lang pháp lý quan trọng (trong năm 2021, muộn nhất vào năm 2022) hỗ trợ cho việc triển khai các nền tảng chính phủ số cấp quốc gia và các bộ, địa phương được hiệu quả; sớm hoàn thành các cơ sở dữ liệu quan trọng của quốc gia.

Báo cáo tại Hội nghị về việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết đã bố trí 100% công an xã chính quy, đây là một nguồn nhân lực quan trọng để bảo đảm thu thập, bổ sung dữ liệu đầy đủ, liên tục. Từng đồng chí cảnh sát khu vực, công an xã xuống từng khu vực nhà dân như khẩu hiệu trong chống dịch COVID-19 là “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người” để bảo đảm có số liệu chính xác, đầy đủ. Đến nay đã thu thập 40 triệu thông tin. Bộ Công an phấn đấu sẽ đưa vào vận hành chính thức Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ ngày 1/7/2021. Bộ cũng đề xuất triển khai dự án sản xuất, cấp, quản lý căn cước công dân đồng bộ với cơ sở dữ liệu dân cư quốc gia, làm nền tảng cho Chính phủ điện tử.

Báo cáo tiến độ và kế hoạch triển khai cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, Bộ TN&MT cho biết, đến nay 100% Văn phòng Đăng ký đất đai đã ứng dụng CNTT trong quản lý hồ sơ địa chính, quản lý đất đai.

Tính đến hết tháng 8/2020 đã có 192/707 đơn vị hành chính cấp huyện đưa cơ sở dữ liệu (CSDL) địa chính vào vận hành, khai thác, sử dụng, đã đưa được hơn 22 triệu thửa đất và hơn 11 triệu hồ sơ địa chính dạng số vào CSDL đất đai để quản lý, khai thác sử dụng.

Theo tiến độ của dự án, dự kiến đến cuối năm 2020 cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng, phần mềm nền tảng của hệ thống thông tin đất đai, sẵn sàng các giao thức để kết nối, chia sẻ dữ liệu tới Cổng Dịch vụ công quốc gia; tiếp tục phát triển, hoàn thiện trong giai đoạn 2021-2025.

Ghi nhận các ý kiến, kết luận Hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) chỉ đạo đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát huy, tận dụng tối đa hạ tầng công nghệ số để góp phần cùng xã hội vào công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Việt Nam mà được thế giới đánh giá là điểm sáng.

Thủ tướng cũng biểu dương các doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu như Viettel, VNPT, BKAV… đã đóng góp nhân lực, tài lực vào phòng chống dịch, đầu tư xây dựng các ứng dụng xử lý, phân tích tình hình dịch bệnh, truy vết tiếp xúc người nhiễm bệnh như Bluezone, NCovi…

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

Theo Thủ tướng, lực lượng trên 50.000 doanh nghiệp công nghệ hiện nay có vai trò quan trọng trong chuyển đổi số ở Việt Nam, “không có thì khó thành công”.  Thời gian qua, các nền tảng CPĐT được phát triển nhanh. Số lượng các nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh được xây dựng tăng đột biến, trong 6 tháng qua, tỉ lệ bộ, tỉnh có nền tảng này tăng hơn 3 lần (tháng 2/2020 mới chỉ có 25 bộ, tỉnh có nền tảng tương ứng 27%, nhưng đến tháng 7 đã có 76 bộ, tỉnh có nền tảng, tương ứng 82,6%). Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp khoảng 15,9%, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi văn bản điện tử giữa các cơ quan Nhà nước đi vào nền nếp, với tỉ lệ đạt khoảng 88,5% (sát với mục tiêu năm 2020 đạt 90% nêu trong Nghị quyết 17).

Các doanh nghiệp Việt Nam đã dần làm chủ các công nghệ cốt lõi, phát triển các nền tảng công nghệ cho chuyển đổi số, Bộ TT&TT đã có sáng kiến hay, hằng tuần tổ chức lễ ra mắt các nền tảng Việt Nam để tôn vinh, quảng bá các sản phẩm Việt Nam, đến nay hàng chục nền tảng đã được ra mắt.

Về Cổng Dịch vụ công quốc gia, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã tích cực triển khai tích cực nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ cao của các bộ, tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp truy cập các dịch vụ công trực tuyến.

Thủ tướng nhìn nhận xuất hiện các cách làm mới có thể nhân rộng để đẩy nhanh triển khai Chính phủ số, chuyển đổi số như mạnh dạn thay đổi cách thức làm việc, dùng thử, trải nghiệm các ứng dụng công nghệ mới, khi có hiệu quả triển khai chính thức ngay; phát triển các ứng dụng chính phủ điện tử dựa trên mô hình nền tảng dùng chung để rút ngắn thời gian, chi phí triển khai, tăng cường kết nối/chia sẻ dữ liệu; dành tỉ lệ chi thích đáng từ ngân sách Nhà nước cho CNTT để bảo đảm ngưỡng đầu tư phát huy hiệu quả mà tiêu biểu như tỉnh Bình Phước chi hơn 1% từ ngân sách Nhà nước cho CNTT.

Thủ tướng cũng nhất trí với ý kiến của Bộ Y tế, tỉnh Bình Phước về bài học quan trọng là phát huy vai trò của người đứng đầu.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng chỉ ra một số tồn tại cần sớm khắc phục. Đó là môi trường pháp lý cho CPĐT chưa hoàn thiện, một số nghị định quan trọng vẫn chưa được ban hành (bảo vệ dữ liệu cá nhân, định danh, xác thực điện tử).

Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 vẫn thấp và nếu không có cách làm mới sẽ không thể đạt mục tiêu 30% trong năm 2020. Đến thời điểm hiện nay, vẫn còn 8 bộ, 25 tỉnh tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến mức 4 dưới 10%, đây là con số đáng báo động.

Một số cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển chính phủ điện tử vẫn chậm được triển khai, đặc biệt là cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai. Vấn đề an toàn, an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức. Đầu tư cho an toàn an ninh mạng thường không đạt ngưỡng 10% ngân sách chi cho CNTT.

Tại Hội nghị, Thủ tướng đề nghị triển khai ngay một số phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới. Trước hết là về thể chế. Bộ Công an cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, trình Chính phủ xem xét ban hành trong năm 2020.

Văn phòng Chính phủ phối hợp Bộ TT&TT hoàn thành các thủ tục trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị  định về định danh và xác thực điện tử, phấn đầu hoàn thành trong quý III/2020.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, ít nhất đạt mục tiêu 30% trong năm 2020, hướng đến năm 2021, hầu hết các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến mức độ 4… Hằng tháng, Bộ TT&TT thống kê tỉ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ, tỉnh để đôn đốc triển khai.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương hoàn thành xây dựng nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, tỉnh trong tháng 10/2020 và kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải làm gương về áp dụng CNTT.

Toàn cảnh hội nghị

Các bộ, ngành, địa phương từng bước tích hợp các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo hướng dẫn của Văn phòng Chính phủ để số lượng dịch vụ công trên Cổng Dịch vụ công quốc gia phải nhiều hơn, tốc độ cao hơn, chứ không chỉ ở con số 1.000 như hiện nay.

Về công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin mạng, Thủ tướng đánh giá cao vai trò của Ban Cơ yếu Chính phủ trong việc cung cấp các sản phẩm, giải pháp nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống của Chính phủ điện tử. 

Bộ TT&TT chủ trì, kết hợp cả đầu tư và thuê dịch vụ, phát triển một số hạ tầng truyền dẫn, điện toán đám mây, nền tảng chuyển đổi số quan trọng. Bộ TT&TT chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng và trình Chính phủ phê duyệt Nghị định về kiện toàn, nâng cấp các đơn vị chuyên trách về CNTT thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số tại các bộ, ngành, địa phương, hoàn thành trong tháng 12/2020.

Bộ TT&TT xây dựng đề án kiện toàn, nâng cấp, tổ chức lại Cục Tin học hóa với cơ cấu tổ chức phù hợp, chế độ ưu đãi…, bảo đảm năng lực, nguồn lực để dẫn dắt tổ chức triển khai tiến trình chuyển đổi số quốc gia, trình Thủ tướng xem xét trong thời gian sớm nhất.

Bày tỏ ấn tượng khi hiện nay có nhiều doanh nghiệp mới với doanh số rất cao, Thủ tướng nhấn mạnh việc khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp số, các doanh nghiệp công nghệ phát triển, “thể chế nào ràng buộc thì các đồng chí báo cáo” để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.

Hiện nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đang chịu trách nhiệm trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong xây dựng Chính phủ điện tử. Một số kết quả đã đạt được như:
Đảm bảo an toàn thông tin trong Trục liên thông văn bản quốc gia: Triển khai sử dụng các máy chủ bảo mật với Chứng thư số do Ban Cơ yếu Chính phủ cấp phát để thiết lập kênh trao đổi bảo mật giữa các điểm kết nối của các Bộ/ngành/địa phương trên nền tảng công nghệ X-ROAD.
Bảo đảm an toàn thông tin, bảo mật hệ thống e-Cabinet sử dụng các mã hóa của Ban Cơ yếu Chính phủ trong lưu trữ, truyền dữ liệu đảm bảo an toàn hạ tầng mạng, ứng dụng và dữ liệu trên cả hệ thống web, máy tính bảng.
Ban Cơ yếu Chính phủ chịu trách nhiệm trong việc phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương triển khai giải pháp đảm bảo an toàn thông tin, an ninh mạng trong xây dựng Chính phủ điện tử bằng việc sử dụng kỹ thuật mật mã và các giải pháp kỹ thuật đồng bộ. 
Ban Cơ yếu Chính phủ đảm bảo nhiệm vụ triển khai thực hiện các giải pháp bảo mật và xác thực, ký số cho hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư....