Thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm soát dịch bệnh Covid-19

17:00 | 21/04/2020

Báo chí quốc tế bày tỏ ngưỡng mộ và ngạc nhiên với công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam trong điều kiện cơ sở vật chất của một nước nghèo, dân số đông, điều kiện cơ sở vật chất ngành y cơ bản còn lạc hậu. Nguyên nhân góp phần giúp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả là sự nhanh nhạy, hiệu quả trong điều hành của Chính phủ, sự ủng hộ tuyệt đối của người dân và sự kịp thời nghiên cứu, ứng dụng các công nghệ trong quản lý điều hành, dự báo, kiểm soát dịch bệnh.

Hình ảnh tại Lễ Khai trương Nền tảng hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa và ứng dụng Bluezone bảo vệ cộng đồng, phòng chống Covid-19. 
 
Nhiều ngành, lĩnh vực lâu nay chưa coi trọng ứng dụng công nghệ thông tin, nay bắt buộc phải thực hiện. Thí dụ, ngay sau khi 24 triệu sinh viên, học sinh trên cả nước nghỉ học để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Kế hoạch số 55 ngày 31-1-2020 cùng nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn và giới thiệu các phần mềm, công cụ hỗ trợ trực tuyến nhằm giúp cho giáo viên các nhà trường kết nối và mang bài học đến cho học sinh. Các công ty cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Vinaphone, Mobiphone, Viettel… và công ty cung cấp dịch vụ công nghệ trực tuyến như: Olm.vn, Toliha.vn, Chương trình 789.vn... nhanh chóng phối hợp ngành giáo dục và đào tạo, sẵn sàng cung cấp đường truyền và tài liệu miễn phí cho giáo viên, học sinh khai thác, sử dụng trực tuyến. Đài Truyền hình Việt Nam, truyền hình các địa phương cũng vào cuộc, đưa những chương trình dạy học trên truyền hình đến với học sinh. Các nhà xuất bản tài liệu, ấn phẩm giáo dục cũng lập tức vào cuộc, sẵn sàng mở các kho học liệu trực tuyến cho giáo viên, sinh viên, học sinh truy cập sử dụng miễn phí.
 
Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và môi trường của Bộ Y tế nhanh chóng làm tốt công tác thông tin tuyên truyền với vũ điệu bài hát "Ghen Cô Vy" được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chia sẻ rộng rãi trên mạng Youtube. Sau đó, đài truyền hình của nhiều nước ca ngợi như hình mẫu hiệu quả trong công tác truyền thông chống Covid-19.
 
Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng ứng dụng NCOVI cho người dân khai báo lịch sử dịch tễ nhằm minh bạch hóa thông tin, khoanh vùng và phát hiện sớm các ca nghi lây nhiễm...
 
Chính phủ, các bộ, ban, ngành trung ương và ủy ban nhân dân các cấp đã triển khai có hiệu quả Chính phủ điện tử trong việc ban hành và gửi nhận văn bản và xử lý các thủ tục hành chính. Nếu như một năm trước đây, khái niệm "chữ ký số" còn xa lạ đối với phần lớn công chức ở các địa phương thì nay đã bắt đầu được thực hiện. Trung tâm hành chính công của các tỉnh, thành phố đã đẩy mạnh cung cấp dịch vụ hành chính công theo hình thức trực tuyến, khuyến khích, ưu tiên người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ thủ tục hành chính qua dịch vụ công trực tuyến, tăng cường sử dụng dịch vụ bưu chính trong thực hiện các thủ tục hành chính...
 
Ngày 31-3-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có nội dung yêu cầu các cơ quan, đơn vị nhà nước bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà. Gần 10 triệu cán bộ, công chức, viên chức cả nước yên tâm thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng, với sự tự tin sử dụng các phần mềm kết nối thông tin.
 
Bên cạnh đó, một số công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đã manh nha được nghiên cứu, ứng dụng như các robot ứng dụng trong hỗ trợ chăm sóc y tế, dữ liệu lớn trong phân loại nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương...
 
Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong các hoạt động quản lý, kiểm soát dịch bệnh thời gian qua là nhờ chúng ta đã có nền tảng trong quá trình xây dựng Chính phủ điện tử. Các yêu cầu trong công tác quản lý, phòng, chống dịch bệnh thời gian qua cũng là cơ hội để chúng ta đẩy nhanh thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư trong thời gian tới.