Thực hiện thông tư 08 về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

08:50 | 10/06/2016

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 08/2016/TT-BQP (Thông tư 08), ngày 01/02/2016 quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 17/3/2016, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, hoàn thiện và thay thế Thông tư 05.

Thực hiện Nghị định 26/2007/NĐ-CP ngày 15/02/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thành lập Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị (Hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ). Tổ chức này bước đầu đã đáp ứng nhu cầu về ứng dụng và triển khai chữ ký số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. 



Đến hết năm 2015, sau 5 năm thực hiện triển khai cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số theo Thông tư số 05/2010/TT-BNV ngày 01/7/2010 của Bộ Nội vụ (sau đây gọi tắt là Thông tư 05), Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp khoảng 40.000 chứng thư số cho 30 đầu mối Bộ, cơ quan ngang Bộ và 50 đầu mối tỉnh/thành trên phạm vi toàn quốc. Công tác triển khai Hệ thống CA chuyên dùng Chính phủ đã cho thấy hiệu quả ứng dụng trong thực tế. Các giao dịch điện tử thực hiện qua mạng được đảm bảo an toàn, tin cậy, qua đó thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính tại mỗi cơ quan, đơn vị và phát triển Chính phủ điện tử. Công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp qua mạng của các cơ quan, đơn vị được cải thiện rõ rệt, giảm thiểu văn bản giấy tờ, tiết kiệm thời gian và chi phí.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đã nảy sinh một số vấn đề từ thực tiễn chưa có quy định cụ thể trong Thông tư 05. Một số nội dung đã được quy định trong Thông tư, nhưng khi thực hiện còn gặp vướng mắc, cần điều chỉnh, quy định chi tiết, cụ thể và bổ sung cho phù hợp.

Bên cạnh đó, từ khi ban hành Thông tư 05 đến nay, một số văn bản quy phạm pháp luật mới đã được ban hành có các quy định liên quan đến lĩnh vực điều chỉnh của Thông tư, như: Luật Cơ yếu và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý nhà nước, đến tổ chức và hoạt động của cơ yếu; các Nghị định bổ sung, sửa đổi liên quan đến Luật Giao dịch điện tử.... Vì vậy, việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số cần được cập nhật, bổ sung cho phù hợp với các quy định trong các văn bản ban hành sau năm 2010.

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn nêu trên, Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ trì xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư số 08/2016/TT-BQP (Thông tư 08), ngày 01/02/2016 quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Thông tư 08 có hiệu lực từ ngày 17/3/2016, trên cơ sở kế thừa, bổ sung, hoàn thiện và thay thế Thông tư 05.

Để thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư 08, một số điểm khác biệt cơ bản giữa Thông tư 05 so với Thông tư 08 và hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư 08 được phân tích cụ thể như sau:

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

Thông tư 05 hướng dẫn việc cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng để xác thực thông tin, chứng thực chữ ký số, bảo mật và an toàn thông tin (tức là quy định việc cung cấp, quản lý và sử dụng chứng thư số dùng để ký số thông điệp dữ liệu và Chứng thư số dùng để mã hóa thông điệp dữ liệu).

Thông tư 08 tập trung điều chỉnh việc cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ ký số và xác thực. Chứng thư số phục vụ bảo mật được thực hiện theo quy định của văn bản quy phạm pháp luật khác và tuân thủ các giải pháp nghiệp vụ của ngành Cơ yếu. 

Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của Thông tư 08 quy định như sau:

“Điều 1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này quy định về cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Điều 2. Đối tượng áp dụng: Thông tư này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội”.

Bổ sung dịch vụ Gia hạn chứng thư số

Ngoài các dịch vụ của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng như quy định tại Thông tư 05: Tạo và phân phối các cặp khóa, Cấp chứng thư số, Thu hồi chứng thư số, Khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật, Thông tư 08 bổ sung dịch vụ Gia hạn chứng thư số với điều kiện “Chứng thư số chỉ được đề nghị gia hạn 01 lần và phải đảm bảo còn thời hạn sử dụng ít nhất 60 ngày. Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải có văn bản đề nghị, được Người quản lý thuê bao phê duyệt và đề nghị gia hạn chứng thư số” (Điều 16).

Tăng thời hạn có hiệu lực của chứng thư số

Chứng thư số của thuê bao cấp mới, thời hạn có hiệu lực được điều chỉnh thành tối đa là 10 năm. Điều 9 Thông tư 08 quy định về:
“Thời hạn có hiệu lực của chứng thư số như sau:

- Chứng thư số của Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội thời hạn có hiệu lực là 20 năm.

- Chứng thư số của thuê bao cấp mới thời hạn có hiệu lực tối đa là 10 năm. 

- Đối với chứng thư số gia hạn, thời hạn có hiệu lực được gia hạn tối đa là 5 năm”. 

Về phân loại chứng thư số

Thông tư 05 phân loại chứng thư số theo mục đích sử dụng. Do phạm vi điều chỉnh được thay đổi, Thông tư 08 phân loại chứng thư số theo đối tượng được cấp chứng thư số, quy định tại Điều 10 như sau:

- Chứng thư số cho cá nhân;

- Chứng thư số cho cơ quan, tổ chức;

- Chứng thư số cho thiết bị, dịch vụ, phần mềm.

Quy định về quản lý thiết bị lưu khóa bí mật

Điều 25, Thông tư 08 quy định về Quản lý thiết bị lưu khóa bí mật như sau:

- Thiết bị lưu khóa bí mật phải được quản lý như quản lý bí mật nhà nước cấp độ “Mật”. 

- Không được dùng các công cụ, chương trình hay bất cứ hình thức nào khác làm thay đổi dữ liệu hoặc làm hư hỏng thiết bị lưu khóa bí mật.

(Tại khoản 3, Điều 13 của Thông tư 05 quy định trách nhiệm của thuê bao: Quản lý và sử dụng thiết bị lưu khóa bí mật theo chế độ quản lý bí mật nhà nước ở cấp độ “Tối mật”).

Về thực hiện các dịch vụ chứng thực chữ ký số

Thông tư 08 đã bổ sung, hoàn chỉnh chi tiết nội dung các Điều quy định (Điều 13 đến Điều 24) về dịch vụ chứng thực chữ ký số, kể cả về bố cục, kỹ thuật trình bày và ngôn ngữ pháp lý rõ ràng. Các nội dung liên quan đến thủ tục hành chính như cấp mới, gia hạn, thu hồi chứng thư số, thay đổi thông tin người quản lý chứng thư số đối với chứng thư số của cơ quan, tổ chức (hoặc chứng thư số của thiết bị, dịch vụ, phần mềm)... đều quy định rõ điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện kèm theo các mẫu hồ sơ liên quan.

Nhiệm vụ, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân

Thông tư 08 đã quy định cụ thể nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, đảm bảo việc thi hành Thông tư được thống nhất, đồng bộ, kịp thời.

Cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực

Thông tư 08 quy định các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội liên hệ trực tiếp với các cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực chữ ký số, gồm 04 đầu mối là các tổ chức Cơ yếu đầu hệ Quân đội, Công an, Ngoại giao, Đảng - Chính quyền, cụ thể như sau:

a) Cục Cơ yếu - Bộ Tổng Tham mưu, Bộ Quốc phòng là cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực đối với các yêu cầu dịch vụ chứng thực chữ ký số của các tổ chức, cá nhân trong lực lượng Quân đội nhân dân:

Địa chỉ: Số 7 Nguyễn Tri Phương, Ba Đình, Hà Nội. Địa chỉ thư điện tử: cybqp@bcy.gov.vn 

b) Cục Cơ yếu - Bộ Công an là cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực đối với các yêu cầu dịch vụ chứng thực chữ ký số của các tổ chức, cá nhân trong lực lượng Công an nhân dân:

Địa chỉ: Số 44 Yết Kiêu, Hoàn Kiếm, Hà Nội

Địa chỉ thư điện tử: cybca@bcy.gov.vn 

c) Cục Cơ yếu - Bộ Ngoại giao là cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực đối với các yêu cầu dịch vụ chứng thực chữ ký số của các tổ chức, cá nhân trong phạm vi Bộ Ngoại giao:

Địa chỉ: Số 1 Tôn Thất Đàm, Ba Đình, Hà Nội 

Địa chỉ thư điện tử: cybng@bcy.gov.vn 

d) Cục Cơ yếu Đảng - Chính quyền thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan tiếp nhận yêu cầu chứng thực đối với các yêu cầu dịch vụ chứng thực chữ ký số của các tổ chức, cá nhân không thuộc khoản a, khoản b và khoản c phần này:

Địa chỉ: Số 60 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, Hà Nội. Địa chỉ thư điện tử: cydcq@bcy.gov.

Để có thêm thông tin về hướng dẫn ứng dụng chữ ký số và các giải pháp kỹ thuật có liên quan, có thể tham khảo tại trang thông tin http://ca.gov.vn hoặc liên hệ trực tiếp với Tổ chức cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội là Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ để được hỗ trợ:

Địa chỉ: Số 23 Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội.

Điện thoại/Fax: 04.37738668

Địa chỉ thư điện tử: ca@bcy.gov.vn

Trong quá trình triển khai thực hiện Thông tư, những vấn đề có khó khăn, vướng mắc, sẽ được Ban Cơ yếu Chính phủ tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.