Toàn cảnh buổi Họp báo
Tham dự buổi Họp báo gồm có đồng chí Mai Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Tổng Cục đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông,… Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có Đại tá Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ, đại diện lãnh đạo một số cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Buổi Họp báo nhằm công bố thêm các dịch vụ công thiết yếu được cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia trong quý II/2020, bao gồm: Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính (dịch vụ công thứ 725); Đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện; Gia hạn thẻ bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; Cấp mới giấy phép lái xe; Đổi giấy phép lái xe mức độ 4; Mở rộng phạm vi thực hiện đối với nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu tại buổi Họp báo
Phát biểu tại buổi Họp báo, đồng chí Mai Tiến Dũng trân trọng cảm ơn các Bộ, ngành, địa phương đã chung tay với Văn phòng Chính phủ trong quá trình xây dựng và vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng chí đánh giá cao sự hợp tác có hiệu quả của Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Giao thông vận tải, Ban Cơ yếu Chính phủ… và các cơ quan liên quan đã nỗ lực tái cấu trúc quy trình tích hợp, cung cấp thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến thiết yếu của người dân, doanh nghiệp trong quý II/2020.
Theo Báo cáo kết quả xây dựng, vận hành Cổng Dịch vụ công Quốc gia quý II/2020, đến nay, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp với 18 bộ, ngành, 63/63 địa phương, 12 tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, trung gian thanh toán. Tính đến 01/7/2020, đã có hơn 179,6 nghìn tài khoản đăng ký; hơn 46,3 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin và thực hiện dịch vụ; hơn 10,5 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để phục vụ tra cứu, theo dõi, giám sát, đánh giá quá trình giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính; hơn 151 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia, trong đó có 889 hồ sơ của người sử dụng lao động đề nghị hỗ trợ vay vốn hoặc hỗ trợ lao động tạm ngừng việc, nghỉ việc không hưởng lương do đại dịch Covid-19; tiếp nhận, xử lý hơn 6,7 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ, giải đáp hơn 14,8 nghìn cuộc gọi tới tổng đài.
Bên cạnh đó, mặc dù hệ thống thanh toán trực tuyến các nghĩa vụ tài chính trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công của Cổng Dịch vụ công Quốc gia mới đưa vào thực hiện từ tháng 3/2020 nhưng đến nay, sau 3 tháng triển khai, đã tích hợp, cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến với 6 bộ, ngành và 31/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đã có hơn 2,1 nghìn lượt giao dịch thành công.
Từ kết quả trên cho thấy, số lượng người dân, doanh nghiệp đăng ký tài khoản, thực hiện các dịch vụ công trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia ngày càng tăng. Trong 3 tháng gần đây, số lượng tài khoản đăng ký, số lượt truy cập tìm hiểu thông tin, thực hiện dịch vụ tăng gấp 2 lần, trung bình mỗi tháng có hơn 32 nghìn tài khoản đăng ký tham gia và 7,7 triệu lượt truy cập tìm hiểu thông tin, dịch vụ. Số lượng dịch vụ công trực tuyến được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia tăng gấp 90 lần so với thời điểm khai trương tháng 12/2019 và 4,5 lần so với 3 tháng trước đây (hiện nay 725 dịch vụ, trong khi tháng 3/2020 là 161 dịch vụ và tháng 12/2019 là 8 dịch vụ), trung bình mỗi quý thực hiện tích hợp, cung cấp khoảng hơn 350 dịch vụ công trực tuyến. Tương ứng với đó, số lượng hồ sơ trực tuyến thực hiện từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia so với 3 tháng trước đây tăng gấp 11 lần, trung bình mỗi tháng Cổng tiếp nhận, xử lý hơn 46 nghìn hồ sơ trực tuyến, mỗi ngày tiếp nhận hơn 2 nghìn hồ sơ.
“Nếu chỉ tính riêng các dịch vụ công thiết yếu được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia từ ngày 01/7/2020 (dịch vụ công từ số 720 đến 725) đã có thể giúp tiết kiệm chi phí xã hội khoảng 1.686 tỷ đồng/năm” - Đồng chí Mai Tiến Dũng cho biết.
Đồng chí cũng đánh giá, trong số các dịch vụ công được công bố thêm, thì dịch vụ Chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia (dịch vụ công thứ 725) có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Dịch vụ này cung cấp tính năng giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền căn cứ vào bản chính dạng văn bản giấy để chứng thực bản sao bằng hình thức điện tử là đúng với bản chính. Bản sao điện tử được chứng thực từ bản chính dạng văn bản giấy có giá trị sử dụng thay cho bản chính đã dùng để đối chiếu chứng thực trong các giao dịch, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Đối với người dân, doanh nghiệp, dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng dịch vụ công quốc gia cung cấp tiện ích đặt lịch hẹn với người dân, doanh nghiệp đến thực hiện chứng thực, giúp giảm thời gian chờ đợi khi thực hiện thủ tục.
Đồng chí Mai Tiến Dũng đánh giá, một vấn đề rất quan trọng đối với dịch vụ công thứ 725 là về an toàn thông tin. Nếu chỉ sơ suất một chút, thì tài liệu bí mật sẽ bị sử dụng sai mục đích, ảnh hưởng đến cơ quan, tổ chức, cá nhân. Để giải quyết vấn đề này, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan có nhiệm vụ cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong dịch vụ chứng thực bản sao điện tử từ bản chính trên Cổng Dịch vụ công quốc gia cho toàn bộ cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Bản sao chứng thực điện tử được ký số do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp bảo đảm tính nguyên vẹn, chính xác và có thể sử dụng lại nhiều lần; hơn nữa, giúp người dân, doanh nghiệp có thể thực hiện trực tuyến hoàn toàn (dịch vụ công trực tuyến mức độ 4) đối với đa số các thủ tục hành chính đã được cung cấp trên môi trường điện tử, loại bỏ tình trạng phải nộp bản sao chứng thực/xuất trình bản giấy để xác minh lại hồ sơ như hiện nay.
Theo số liệu thống kê của Bộ Tư pháp, trong năm 2019, số lượng bản sao chứng thực được thực hiện là trên 102 triệu bản, nếu sử dụng lại được 30% kết quả chứng thực, chi phí xã hội tiết kiệm được là 428,4 tỷ đồng/năm.
Tại buổi Họp báo, các đại biểu và các phóng viên được chứng kiến, trải nghiệm thực tế của 6 dịch vụ công được công bố thêm, bắt đầu được tích hợp từ 01/7/2020 trên Cổng Dịch vụ công quốc gia.