Tiêu chí và cách thức thực hiện đánh giá chương trình bình chọn danh hiệu "Chìa khóa vàng" 2020

09:41 | 20/01/2021

Chương trình bình chọn danh hiệu “Chìa khóa vàng” 2020 là tiếp nối và thay thế cho Chương trình bình chọn các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin chất lượng cao, tiêu biểu từ năm 2015. Chương trình do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) tổ chức với sự bảo trợ của Bộ TT&TT và sự phối hợp của Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT).

Chương trình bình chọn Danh hiệu "Chìa khóa vàng 2020" bao gồm các hạng mục như sau: Sản phẩm an toàn thông tin (ATTT) chất lượng cao xuất sắc; Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc; Dịch vụ ATTT tiêu biểu; Giải pháp công nghệ thông tin (CNTT) an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số; Giải pháp hóa đơn điện tử an toàn. Quá trình thẩm định, đánh giá của chương trình kết thúc vào cuối tháng 10/2020 và cuộc họp của Hội đồng bình chọn diễn ra vào ngày 14/11/2020. 

Lễ công bố trao giải cho các Danh hiệu đã được VNISA tổ chức vào ngày 18/11/2020 tại Hà Nội. Tại đây, 45 sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin; giải pháp công nghệ thông tin an toàn tiêu biểu phục vụ cho chuyển đổi số của 17 doanh nghiệp, tổ chức trong cả nước đã được vinh danh. 

Trong đó, ba hạng mục “Sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc”, “Sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc” và “Dịch vụ ATTT tiêu biểu” có tiêu chí tương tự như các năm trước. Hai hạng mục còn lại mới được VNISA đưa vào bình chọn năm 2020 dành cho các sản phẩm, giải pháp CNTT có tính năng ATTT vượt trội. 

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Phiên họp lần 1 của Hội đồng bình chọn

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ CÁC HẠNG MỤC

Hạng mục “Các sản phẩm ATTT chất lượng cao xuất sắc” trao cho các sản phẩm khoa học, công nghệ bảo đảm ATTT xuất sắc về công nghệ và thành công về thương mại. Đây phải là các sản phẩm hoàn chỉnh xuất xứ từ Việt Nam, có khả năng sản xuất hàng loạt, đã được thương mại hóa và cung cấp cho thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam đã được cấp Giấy phép kinh doanh sản phẩm ATTT/MMDS sở hữu và làm chủ công nghệ.

Hạng mục “Các sản phẩm ATTT triển vọng xuất sắc” trao cho các sản phẩm ATTT là kết quả nghiên cứu, phát triển mới, có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa và cung cấp ra thị trường trong tương lai gần, do các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam (kể cả các doanh nghiệp mới khởi nghiệp chưa được cấp giấy phép kinh doanh sản phẩm ATTT/MMDS) sở hữu và làm chủ công nghệ.

Hạng mục “Các dịch vụ ATTT tiêu biểu” trao cho các dịch vụ về bảo đảm ATTT có quy trình công nghệ hoàn chỉnh, chất lượng cao về an toàn, bảo mật thông tin đã được thương mại hóa có hiệu quả cao trên thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam đã được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ ATTT/MMDS cung cấp và đảm bảo chất lượng ổn định.

Hạng mục “Các giải pháp CNTT an toàn tiêu biểu cho chuyển đổi số” trao cho các sản phẩm, dịch vụ và giải pháp CNTT phục vụ cho chuyển đổi số. Đó là kết quả nghiên cứu phát triển có chất lượng, có khả năng thương mại và cung cấp ra thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ. Các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp này có các tính năng an toàn cao như kiểm soát quyền sử dụng chặt chẽ, được thiết kế và phát triển an toàn, sử dụng tài nguyên và tương tác với hệ thống an toàn…

Hạng mục “Các giải pháp hóa đơn điện tử an toàn” trao cho các giải pháp là phần mềm và hệ thống tích hợp cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có tính năng an toàn bảo mật cao, đáp ứng yêu cầu theo tiêu chuẩn cơ sở của VNISA, có khả năng thương mại và cung cấp ra thị trường, do các doanh nghiệp, tổ chức tại Việt Nam sở hữu và làm chủ công nghệ.

CÁCH THỨC THỰC HIỆN ĐÁNH GIÁ 

Hội đồng bình chọn năm 2020, Chủ tịch Hội đồng bình chọn là ông Nguyễn Thành Hưng, Chủ tịch VNISA chỉ đạo hoạt động chung, phân công công tác và ra quyết định giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện. Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng là ông Vũ Quốc Khánh, Phó Chủ tịch VNISA; Phó chủ tịch Hội đồng là Trung tướng Đặng Vũ Sơn, Phó Chủ tịch VNISA. Các Phó Chủ tịch có nhiệm vụ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra hoạt động thẩm định của các Tiểu ban và Tổ kỹ thuật, chỉ đạo tổng hợp báo cáo cho Hội đồng bình chọn gồm 21 chuyên gia uy tín trong ngàn ATTT. Hội đồng bình chọn phân chia ra 6 Tiểu ban thực hiện các chức năng để thẩm định các sản phẩm, dịch vụ.

An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), Viện Tiêu chuẩn chất lượng (Tổng cục ĐLCL), Chi hội ATTT phía Nam, một số trường đại học và các doanh nghiệp ATTT.

Quá trình đánh giá, kiểm định các sản phẩm, dịch vụ ATTT có sự tham gia của hơn 40 chuyên gia ATTT thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ, Cục ATTT (Bộ TT&TT), Bộ Tư lệnh 86 (Bộ Quốc phòng), Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm Công nghệ cao (A05 - Bộ Công an), Viện Tiêu chuẩn chất lượng (Tổng cục ĐLCL), Chi hội ATTT phía Nam, một số trường đại học và các doanh nghiệp ATTT. 

Các Tiểu ban có thể đánh giá trực tuyến khi không thể đánh giá trực tiếp. Các Tiểu ban chấm điểm với mẫu khung biên bản có sẵn, sau đó báo cáo kết quả cho Hội đồng bình chọn.

Trong Phiên họp lần 1 của Hội đồng bình chọn được tổ chức vào ngày 22/9/2020 tại Hà Nội và trực tuyến tại Tp. Hồ Chí Minh, Ban Tổ chức đã giải đáp một số thắc mắc và chú ý xoay quanh Chương trình. Một trong những chú ý đó là, đối với các tiêu chuẩn kỹ thuật, có tiêu chuẩn quốc tế là điểm cộng đặc sắc, nhưng một số doanh nghiệp không thể đưa sản phẩm, dịch vụ ra nước ngoài đánh giá. Do đó, Tổ kỹ thuật cần các chuyên gia có chuyên môn cao để có thể đánh giá khách quan tính an toàn và chức năng của sản phẩm, dịch vụ làm cơ sở để khẳng định, kiểm định sản phẩm, dịch vụ.