Sự thay đổi chính sách này đã có hiệu lực từ ngày 2/6/2021, tuy nhiên, người dùng TikTok cư trú tại khu vực kinh tế châu Âu (EEA), Vương quốc Anh, Thụy Sĩ và các khu vực địa lý khác (ngoại trừ Ấn Độ), nơi dịch vụ hoạt động được miễn các thay đổi này.
"Chúng tôi có thể thu thập số nhận dạng sinh trắc học và thông tin sinh trắc học theo quy định của luật pháp Mỹ, chẳng hạn như dấu vân tay và giọng nói từ nội dung mà người dùng đăng tải. Khi luật pháp yêu cầu, chúng tôi sẽ tìm kiếm bất kỳ thông tin nào cần thiết của người dùng mà chúng tôi thu thập được trong kho dữ liệu của Tiktok", ByteDance - công ty sở hữu Tiktok cho biết trong một phần mới được giới thiệu có tên "Thông tin hình ảnh và âm thanh".
Chính sách bảo mật của công ty cũng lưu ý rằng họ có thể thu thập thông tin về "bản chất của âm thanh và văn bản được đề cập trong nội dung người dùng đăng tải lên Tiktok" để bật các hiệu ứng video đặc biệt, kiểm duyệt nội dung, phân loại nhân khẩu, đề xuất quảng cáo hoặc để phục vụ cho các hoạt động phi nhận dạng cá nhân khác".
Việc không xác định rõ ràng bản chất chính xác của sinh trắc học được thu thập và không đưa ra lý do thuyết phục tại sao việc thu thập dữ liệu này là cần thiết ngay từ đầu đã giúp TikTok có thể tích lũy dữ liệu nhạy cảm đó mà không cần có sự đồng ý của người dùng.
Do chỉ một số tiểu bang ở Mỹ như California, Illinois, New York, Texas và Washington có luật hạn chế các công ty thu thập dữ liệu nên động thái này có thể hiểu là TikTok không cần phải xin phép người dùng của mình ở những nơi khác.
Các sửa đổi đối với chính sách bảo mật diễn ra vài tháng sau khi TikTok đồng ý trả 92 triệu USD để giải quyết một vụ kiện tập thể cáo buộc ứng dụng đã vi phạm Đạo luật về quyền riêng tư thông tin sinh trắc học (BIPA) của Illinois. Trước đó, Tiktok đã bị cáo buộc bí mật thu thập thông của trẻ vị thành niên mà không được sự cho phép của phụ huynh ở Mỹ, sau đó bán thông tin cho các nhà quảng cáo, vi phạm luật liên bang và tiểu bang.