Tổ chức ITU cũng đưa ra một định nghĩa như sau: “Một thành phố bền vững thông minh là một thành phố sáng tạo có sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, hiệu quả hoạt động của đô thị và dịch vụ, tính cạnh tranh, trong khi đảm bảo rằng nó đáp ứng các nhu cầu của thế hệ hiện tại và tương lai về khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường”.
Hiện nay, nhiều thành phố lớn thuộc các quốc gia trên thế giới đã bắt tay vào xây dựng thành phố thông minh (TPTM) như Singapore, Seoul (Hàn Quốc),… nhằm giải quyết các vấn đề tồn tại của các đô thị hiện nay và để hướng đến tương lai, với các đô thị hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.
Đồng chí Nguyễn Tiến Nhường, Phó Chủ tịch thường trực tỉnh Bắc Ninh (bên trái)
làm việc với lãnh đạo của khu kinh tế mở tự do IFEZ-Hàn Quốc
Trước xu thế phát triển của thế giới, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết 05-NQ/TW ngày 01/11/2016, trong đó nhấn mạnh, tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng của quốc gia; tiếp tục thực hiện 03 đột phá chiến lược ,trong đó có phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, ưu tiên phát triển một số đô thị thông minh. Trên cơ sở đó, nhiều tỉnh, thành phố của cả nước đã nghiên cứu, xây dựng đề án xây dựng TPTM như tại Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh,...
Đối với tỉnh Bắc Ninh, ngày 13/3/2017, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 132/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, giao nhiệm vụ cho tỉnh Bắc Ninh nghiên cứu lập đề án xây dựng TPTM tỉnh Bắc Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Ninh đã tổ chức nghiên cứu, tham quan học tập mô hình TPTM tại một số thành phố lớn tại châu Á và châu Âu. Ngày 03/3/2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Đề án xây dựng triển khai mô hình TPTM tỉnh Bắc Ninh giai đoạn 2017 - 2022 tầm nhìn đến năm 2030, trong đó, giải pháp xây dựng chính quyền điện tử, TPTM là khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh.
Vấn đề an toàn, an ninh thông tin đã được quan tâm một cách toàn diện trong khi xây dựng đề án TPTM. Theo đó, cần tăng cường bảo mật an ninh, an toàn cho toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin và cần được xem xét một cách tổng thể trên tất cả các lớp trong mô hình Kiến trúc tổng thể TPTM. Cụ thể cần thực hiện một số giải pháp sau:
Quản lý chặt chẽ việc sử dụng các thiết bị, phương tiện kỹ thuật số có tính năng lưu trữ, trao đổi thông tin để phòng ngừa lộ, lọt thông tin qua mạng. Kiểm tra an toàn, an ninh thông tin các thiết bị, phần mềm hệ thống, công cụ, phần mềm ứng dụng trước khi đưa vào sử dụng;
Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn phù hợp để quản lý, vận hành, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cho hệ thống thông tin mạng của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh; Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, tăng cường sử dụng các phần mềm diệt virus và thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng hệ thống mạng nội bộ, máy tính tại cơ quan đơn vị, kịp thời ngăn chặn, phòng chống và khắc phục nhanh các cuộc tấn công vào hệ thống.
Việc xây dựng mô hình TPTM tỉnh Bắc Ninh hướng tới 6 lĩnh vực cốt lõi cùng với 27 nhân tố đi kèm gồm:
Nền kinh tế thông minh: tinh thần sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, bức tranh kinh tế, sản xuất, thị trường lao động và gắn kết quốc tế;
Cư dân thông minh: giáo dục, học tập suốt đời, đa sắc tộc và sự công bằng;
Quản trị thông minh: nhận thức chính trị, dịch vụ công và dịch vụ xã hội, quản lý hiệu quả và minh bạch;
Dịch chuyển thông minh: hệ thống giao thông vận tải của tỉnh, khả năng tiếp cận quốc gia, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tính bền vững của hệ thống giao thông;
Môi trường thông minh: chất lượng không khí, nhận thức sinh thái, quản lý tài nguyên bền vững;
Cuộc sống thông minh: các cơ sở văn hoá và giải trí, tình trạng sức khoẻ, an toàn cá nhân, chất lượng nhà, các cơ sở giáo dục, hấp dẫn du lịch, gắn kết xã hội.
Sáu lĩnh vực cốt lõi của TPTM sẽ bao trùm toàn bộ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bắc Ninh, trong đó, công nghệ thông tin và truyền thông sẽ là một trong những động lực thúc đẩy chính cho sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh hiện tại và trong tương lai.
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2022, để triển khai đề án xây dựng TPTM, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực, mục tiêu cụ thể sau:
Thông tin và truyền thông: với các nhiệm vụ trọng tâm như phấn đấu hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Bắc Ninh; hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, như trung tâm dữ liệu TPTM, mạng WAN toàn tỉnh, trung tâm điều hành tập trung… là cơ sở để các ngành, lĩnh vực khác triển khai xây dựng TPTM.
Y tế: Nâng cao sức khỏe cộng đồng thông qua hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân, đẩy mạnh vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa thực phẩm bẩn, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với việc triển khai các kỹ thuật chuyên sâu ngang tầm quốc tế.
Giáo dục: đẩy mạnh phát triển năng lực toàn diện của học sinh, sinh viên, góp phần nâng cao chỉ số phát triển con người của tỉnh, đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, đảm bảo cơ cấu hợp lý ngành nghề và trình độ trong các lĩnh vực để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
An ninh, trật tự: Tăng cường giám sát an ninh cho các đơn vị, các công trình trọng yếu (nhà máy sản xuất, công trình thiết yếu, khu vui chơi, giải trí,…) nhằm xây dựng Bắc Ninh là một thành phố an toàn đối với người dân và du khách.
Tài nguyên môi trường: giám sát hoạt động xử lý môi trường, thu gom, vận chuyển chất thải trên địa bàn tỉnh chặt chẽ, giúp ngăn ngừa nguy cơ ô nhiễm từ các nhà máy, làng nghề trên địa bàn tỉnh. Từ đó nâng cao chất lượng môi trường sống của tỉnh Bắc Ninh.
Để thực hiện được các nội dung trên, trong thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tập trung nguồn lực về tài chính, con người để xây dựng mô hình TPTM. Hiện nay, tỉnh Bắc Ninh đang triển khai giai đoạn thứ nhất của lộ trình xây dựng TPTM với mục tiêu đến năm 2018, tỉnh Bắc Ninh cơ bản sẽ xây dựng thành công mô hình chính quyền điện tử và bắt đầu xây dựng một chính quyền mở (chính quyền kiến tạo).
Song song với đó là việc triển khai đầu tư xây dựng trung tâm dữ liệu của TPTM, nhằm hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật cho TPTM. Trong thời gian tới, tỉnh rất cần sự hỗ trợ của Chính phủ, các Bộ, ngành, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân góp sức xây dựng mô hình TPTM tỉnh Bắc Ninh, nhằm từng bước xây dựng tỉnh Bắc Ninh hiện đại, giàu đẹp và văn minh hơn.