Tình hình cạnh tranh không gian mạng giữa các cường quốc năm 2019

10:52 | 25/02/2020
Phan Anh (Theo sercss)

Cuộc chiến giữa các cường quốc xung quanh vấn đề không gian mạng hiện nay đang trở nên khốc liệt, nhằm mục đích giành vị trí đứng đầu về chiến lược, công nghệ và quy tắc ứng xử, để đạt được chiến thắng chung trong cạnh tranh trên trường quốc tế thời kỳ mới. Cuộc đua này đã tạo ra các xu hướng mới, nổi bật là: Chuẩn bị chiến tranh mạng tập trung vào chiến đấu thực tế; Cạnh tranh khoa học - công nghệ tập trung vào các công nghệ và ứng dụng mới; Các quy định, nguyên tắc quốc tế chuyển dịch theo hướng nhóm hóa và giải quyết cuộc chơi theo hướng kết hợp các biện pháp.

Xu hướng chuẩn bị chiến tranh mạng tập trung vào chiến đấu thực tế

Chiến đấu thực tế có ý nghĩa là các các chủ thể nhà nước (bao gồm cả quân đội và các cơ quan nhà nước khác) vì mục đích chính trị mà thực hiện hoạt động tấn công mạng có tác động vật lý tương đối lớn. Định nghĩa này làm rõ nội dung không phải tất cả các cuộc tấn công mạng là hành động chiến tranh. Trên thực tế, hầu hết các cuộc tấn công mạng đều do nhóm tội phạm mạng hoặc khủng bố mạng.

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã nỗ lực nâng cao tính sẵn sàng cho chiến tranh không gian mạng, ban hành các chính sách, thành lập các đơn vị chuyên trách, bồi dưỡng nhân lực và tăng đầu tư tài chính. Điều này dẫn đến việc quân sự hóa không gian mạng đang dần hình thành. Hiện tại, các cường quốc đã cho thấy xu hướng chiến đấu thực tế trong chiến tranh mạng.

Về khái niệm, chiến lược không gian mạng của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ 2018 nhấn mạnh phòng thủ phía trước (Defend forward), cho thấy quân đội Hoa Kỳ sẽ thực hiện các hoạt động tấn công và phòng thủ không gian mạng ở cội nguồn của các đe dọa không gian mạng và trên lãnh thổ ảo của quốc gia khác thay vì của Hoa Kỳ. Khái niệm tác chiến phối hợp, liên tục (persistent, integrated operations) do Bộ tư lệnh tác chiến mạng Hòa Kỳ (USCYBERCOM) đưa ra cho thấy quyết tâm hành động liên tục để đạt được và duy trì lợi thế trên không gian mạng.

Tháng 7/2016 tại Warsaw, Hội nghị thượng đỉnh của NATO đã công nhận không gian mạng là một mặt trận tác chiến. Sau đó, tại Hội nghị thượng đỉnh Brussels năm 2018, NATO đã thành lập Trung tâm tác chiến không gian mạng (Cyberspace Operation Centre) mới, được coi là một phần của cấu trúc chỉ huy NATO. Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng tháng 2/2019 đã phê chuẩn hướng dẫn của NATO, trong đó liệt kê nhiều công cụ để tăng cường năng lực ứng phó với các hoạt động tấn công có chủ đích trên mạng của NATO.

Về hành động, sau cuộc tấn công mạng vào “Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS” (2016), năm 2019, Hoa Kỳ đã bí mật tiến hành tấn công mạng nhắm vào Iran và gây thiệt hại phần cứng vật lý để trả đũa việc Iran tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Saudi Arabia. Iran đã triển khai nhiều biện pháp khác nhau đồng thời thành lập một đội đặc nhiệm để phụ trách đáp trả các cuộc tấn công mạng của Hoa Kỳ. Năm 2019, quan chức chính phủ Hoa Kỳ cũng thừa nhận rằng, một chương trình virus đã được cài vào mạng lưới điện của Liên bang Nga vào đầu năm 2012 và các cuộc tấn công mạng có thể được phát động bất cứ lúc nào.

Tháng 8/2018, Tổng thống Hoa Kỳ Donald John Trump đã ký sắc lệnh mới, thay thế "Chỉ thị chính sách của Tổng thống số 20" (PPD-20) được Tổng thống Barack Hussein Obama ký năm 2012, cho phép quân đội Hoa Kỳ triển khai vũ khí mạng tiên tiến mà không bị Bộ Ngoại giao và Cộng đồng tình báo nước này ngăn cản. NATO cũng thường xuyên tổ chức các cuộc tập trận, như Cuộc tập trận liên minh mạng thường niên, nhằm mục đích kết hợp các yếu tố phòng thủ và các toan tính khác trên không gian mạng.

Ngoài ra, NATO cũng tăng cường năng lực huấn luyện, đào tạo của mình, thành lập thao trường không gian mạng của NATO ở Estonia. Như vậy, xu hướng thực chiến hóa trên không gian mạng đã xuất hiện và Hoa Kỳ đang chiếm ưu thế rõ rệt trong vấn đề này.

Xu hướng cạnh tranh khoa học - công nghệ tập trung vào các công nghệ và ứng dụng mới

Sức mạnh khoa học - công nghệ không chỉ là nền tảng quan trọng cho sức mạnh toàn diện của quốc gia, mà còn là một công cụ quan trọng trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa của các cường quốc. Hiện tại, các cường quốc đang tăng cường đổi mới công nghệ, đẩy mạnh đột phá trong công nghệ in 3D, Internet di động, điện toán đám mây, dữ liệu lớn, sinh học, năng lượng mới, vật liệu mới và các lĩnh vực khác. Cuộc cạnh tranh xung quanh các công nghệ và ứng dụng mới đang là xu hướng nổi bật. Cuộc cạnh tranh có tính chất khốc liệt, đặc biệt là trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, IoT, blockchain, điện toán lượng tử. Bên cạnh đó, những công nghệ chưa biết và cái gọi là “công nghệ đen” cũng có thể trở thành mục tiêu được nhiều quốc gia nhắm tới.

Tháng 2/2019, Trump đã ký sắc lệnh để khởi động Sáng kiến ​​trí tuệ nhân tạo Mỹ, nhằm huy động thêm tài chính và nguồn lực liên bang cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo ở cấp quốc gia. Nhằm mục đích để đối phó với những thách thức đến từ các đối tượng cạnh tranh chiến lược và đối thủ nước ngoài, bảo vệ vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trong nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo, các lĩnh vực sản xuất tiên tiến và điện toán lượng tử.

Hoa Kỳ cũng có kế hoạch sử dụng trí tuệ nhân tạo để bảo vệ không gian mạng. Trung tâm Trí tuệ nhân tạo liên hợp (Joint Artificial Intelligence Center - JAIC) mới thành lập của Bộ Quốc phòng Mỹ đang tạo ra khuôn khổ cho dữ liệu an ninh mạng quân đội, đặt nền móng cho hệ thống phòng thủ không gian mạng trí tuệ nhân tạo, nhằm sử dụng trí tuệ nhân tạo giám sát các nguy cơ không gian mạng tiềm tàng. Nhà Trắng cũng công bố Chiến lược quốc gia chống sự di chuyển của các phần tử khủng bố, dự kiến sử dụng các hệ thống nhận dạng cá nhân và sinh trắc học để phát hiện, ngăn chặn sự di chuyển của những phần tử khủng bố. Do đó, công nghệ sinh trắc học đã trở thành một công nghệ quan trọng.

Nga, Tây Ban Nha, Đan Mạch và Đức cũng đã xây dựng các chiến lược trí tuệ nhân tạo, tăng đầu tư tài chính, triển khai và chiếm lĩnh cao điểm trong nghiên cứu và phát triển. Bộ Quốc phòng Liên bang Nga đã công bố Kế hoạch mười điểm cho trí tuệ nhân tạo. Thủ tướng Tây Ban Nha Sanchez coi trí tuệ nhân tạo là một trong những điểm tăng trưởng chính của nền kinh tế nước này trong tương lai. Trong khi đó, Đan Mạch đã đưa ra 6 nguyên tắc đạo đức có trách nhiệm để phát triển và sử dụng trí tuệ nhân tạo.

Trong khuôn khổ chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo quốc gia, Pháp đã thành lập 4 viện nghiên cứu trí tuệ nhân tạo và đầu tư 225 triệu Euro để hỗ trợ. Anh cũng đầu tư 250 triệu bảng và thành lập phòng thí nghiệm quốc gia để thúc đẩy ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế nước này. Đức có kế hoạch đầu tư 3 tỷ Euro vào trí tuệ nhân tạo trước năm 2025 để tăng cường khả năng cạnh tranh quốc tế; ban hành chiến lược blockchain, trong đó làm rõ các biện pháp hành động trong một số lĩnh vực chính. Liên minh châu Âu tuyên bố đã đầu tư 840 triệu Euro để xây dựng 8 trung tâm siêu máy tính đẳng cấp thế giới mới.

Đáng chú ý vào tháng 5/2019, Tổng thống Nga Putin đã ký một văn bản để ngăn chặn nguy cơ ngắt kết nối Internet, nhằm thiết lập một hệ thống tên miền trong nước để đảm bảo Nga vẫn có thể hoạt động ổn định trong trường hợp bị ngắt kết nối với bên ngoài. Nga cũng đang thiết lập mạng thử nghiệm 5G tại Moscow và St. Petersburg để cạnh tranh trên thị trường 5G.

Xu hướng các quy định, nguyên tắc quốc tế chuyển dịch theo hướng nhóm hóa

Năm 2017, nhóm chuyên gia an ninh thông tin Liên hợp quốc (United Nations Group of Governmental Experts - UN GGE) lần thứ năm đã thất bại trong việc đưa ra bản nhận thức chung, việc đưa ra quy tắc ứng xử quốc tế trên không gian mạng bị đình trệ. Mặc dù cuối năm 2018, Liên hợp quốc đã khởi động tiến trình kép của nhóm GGE và nhóm công tác mở rộng (OEWG). Tuy nhiên, quan hệ, trọng tâm và triển vọng giữa hai bên vẫn chưa chắc chắn. Trong bối cảnh này, phương Tây đã kêu gọi các quy tắc không gian mạng mang tính khu vực hoặc nhóm mà bỏ qua Liên hợp quốc. Hiện nay, liên quan đến việc xây dựng các quy tắc quốc tế trong không gian mạng, xu hướng nhóm hóa đang trở nên rõ ràng.

Đầu tháng 5/2019, 32 quốc gia đã tham gia Hội nghị An ninh Prague 5G do Bộ Ngoại giao Séc tổ chức và công bố Đề xuất Prague - Tuyên bố về an ninh không gian mạng của các mạng truyền thông trong một thế giới số hóa toàn cầu. Sau đó, Hoa Kỳ và Ba Lan đã ký một tuyên bố bảo mật 5G chung vào đầu tháng 9, yêu cầu xem xét chặt chẽ hơn đối với các nhà cung cấp thiết bị 5G và xác nhận xem các nhà cung cấp có bị chính phủ nước ngoài kiểm soát hay không. Trong cùng tháng, 27 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ đã đưa ra một tuyên bố chung về hành vi của các quốc gia có trách nhiệm trong không gian mạng. Bản tuyên bố chung được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Vào tháng 10, lần đầu tiên Hoa Kỳ và Anh chính thức đạt được thỏa thuận về việc thu thập dữ liệu điện tử xuyên biên giới của cơ quan thực thi pháp luật. Đạo luật Cloud Hoa Kỳ (Clarifying Lawful Overseas Use of Data Act - CLOUD ACT) đã đạt được sự tiến triển ngoài lãnh thổ mang tính lịch sử và nó sẽ ảnh hưởng tới cục diện quốc tế trong quản lý dữ liệu. Nhóm G7 cũng có kế hoạch xây dựng các quy tắc bảo vệ dữ liệu người tiêu dùng, yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin trước khi ký hợp đồng dịch vụ.

Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Osaka đã ký Tuyên bố kinh tế số Osaka. Tuy nhiên, Ấn Độ, Indonesia và Nam Phi không tham gia vào tuyên bố này. Ấn Độ cho rằng các cuộc thảo luận và đàm phán như thế nên tổ chức trong khuôn khổ WTO.

Mặc dù, Đề xuất Prague là một phần trong tuyên bố của đoàn chủ tịch, nhưng mức độ và tầm quan trọng của nó có thể bị hạn chế. Tuyên bố chung của 27 quốc gia nói trên không mới, thỏa thuận thu thập dữ liệu xuyên biên giới theo mối quan hệ đặc biệt giữa Hoa Kỳ và Anh là không đáng ngạc nhiên, nhưng trong bối cảnh các quy tắc quốc tế trên không gian mạng bị rơi vào đình trệ, kênh Liên hợp quốc không đạt được tiến triển thì ảnh hưởng mang tính tiên phong của các sáng kiến ​​phương Tây là không thể đánh giá thấp. Trong tình hình hiện tại, ý nghĩa kiểu mẫu của các hành động trên rất nổi bật, báo trước xu hướng ra đời các quy tắc theo hướng khu vực hoặc nhóm quốc gia.

Xu hướng giải quyết cuộc chơi theo hướng kết hợp các biện pháp

Xu hướng kết hợp ở đây có nghĩa là nhà nước coi mối quan hệ giữa công nghệ với chính trị, an ninh, kinh tế là một biện pháp giải quyết vấn đề quốc tế. Hiện tượng này được gọi là chính trị hóa hay an ninh hóa công nghệ. Ban đầu, nó vốn là một biện pháp trong quản lý quốc gia và không hiếm gặp trong quan hệ giữa các nước. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, nó đặc biệt nổi bật trong bàn cờ chiến lược không gian mạng giữa các nước lớn.

Đây cũng là một biểu hiện thực tế của chính trị liên kết trên lĩnh vực không gian mạng và cũng là hiện thân cụ thể của cái gọi là cách tiếp cận chính phủ toàn diện (Whole-of-Government Approach) của Hoa Kỳ. Ví dụ rõ nhất là câu chuyện Huawei và 5G giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, bản chất kỹ thuật của Huawei đã bị lợi dụng với lý do làm tổn hại an ninh quốc gia. Trên bình diện quốc tế, Hoa Kỳ sử dụng kế hợp tung, lợi dụng các quốc gia có quan điểm giống mình. Thậm chí, Hiệp hội IEEE cũng chịu ràng buộc của Luật kiểm soát xuất khẩu nội địa Hoa Kỳ, cấm nhân viên Huawei tham gia vào các hoạt động mang tính học thuật. Ngoài ra, Mỹ đang cố gắng ngăn chặn dự án cáp ngầm dưới biển do Google, Facebook và một đối tác Trung Quốc cùng xây dựng.

Hiệu ứng lan tỏa của mô hình Hoa Kỳ là rất rõ, nhiều quốc gia khác cũng sử dụng tổng hợp các công cụ chính sách như luật pháp, tài chính, an ninh… để giành lấy vị trí trong bàn cờ chiến lược không gian mạng khốc liệt hiện nay. Xoay quanh vấn đề dữ liệu xuyên biên giới, vấn đề nội địa hóa dữ liệu, các bên tham gia cuộc chơi đều có những động thái đáng chú ý. Ví dụ, Trung tâm thông tin Internet quốc gia Pháp (Commission nationale de l'informatique et des libertés - CNIL) đã phạt Google 50 triệu Euro vì vi phạm Quy định bảo vệ dữ liệu chung (General Data Protection Regulation - GDPR). Pháp cũng đã thông qua đạo luật để thu thuế kỹ thuật số đối với các doanh nghiệp Internet lớn. Tòa phúc thẩm Luân Đôn đã cho phép khởi kiện Google do có hoạt động thu thập dữ liệu từ hơn 4 triệu người dùng iPhone. Nhật Bản cũng có ý định bắt các công ty công nghệ chịu trách nhiệm do thu thập thông tin cá nhân, lập luận rằng khi những gã khổng lồ như Google và Facebook thu thập và sử dụng trái phép thông tin cá nhân, họ sẽ áp dụng Luật chống độc quyền. Nói tóm lại, việc sử dụng tổng hợp các biện pháp trong giải quyết các vấn đề liên quan đến không gian mạng đang là một xu thế và là đặc điểm quan trọng trong cuộc cạnh tranh không gian mạng của các nước lớn hiện nay.

Kết luận

Những năm gần đây, các nước phương Tây đã duy trì được sự chủ động trong việc xây dựng các quy tắc không gian mạng. Trong lĩnh vực chống tội phạm mạng, Ủy ban châu Âu đã đưa ra Công ước về tội phạm mạng Budapest và số lượng các bên tham gia đã gia tăng trong những năm gần đây.

Để đối phó với chiến tranh mạng, Trung tâm kiểu mẫu phòng thủ không gian mạng phối hợp (Cooperative Cyber Defence Centre of Excellence - CCD COE) của NATO đã cho ra mắt Sổ tay khung công việc và Hướng dẫn sử dụng 2.0, được thiết kế để đối phó với xung đột không gian mạng trong thời chiến và thời bình. Trong lĩnh vực 5G, phương Tây đã đưa ra Đề xuất Prague. Về mặt điều chỉnh hành vi nhà nước, phương Tây đã cố gắng thúc đẩy Nhóm chuyên gia chính phủ an ninh thông tin của UN GGE và sau khi gặp trở ngại, đã đi đầu trong việc đưa ra tuyên bố với 27 quốc gia. Pháp cũng đã chủ động đưa ra Sáng kiến ​​Paris và đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi. Gần đây, họ cũng đã công bố Luật quốc tế áp dụng cho các hoạt động không gian mạng. Tuy nhiên, những nỗ lực này của phương Tây đã không được Trung Quốc và Nga ủng hộ.

Trong bối cảnh này, khả năng phương Tây bỏ qua Liên Hợp Quốc, chủ động khởi xướng và xây dựng các quy định không gian mạng phi toàn cầu, bao gồm các quy tắc khu vực và có thể thu hút một số nước đang phát triển tham gia. Nếu xuất hiện cục diện như sau Chiến tranh thế giới thứ hai - phương Tây đưa ra các quy tắc và thành lập các tổ chức, các nước khác tham gia theo - thì các quốc gia khác sẽ không được tham dự vào quá trình xây dựng quy tắc và không thể bảo vệ tốt hơn lợi ích của chính mình.

Tình hình vũ khí hóa, quân sự hóa và chiến đấu thực tế trong không gian mạng đã xuất hiện. Các tác động chính trị, kinh tế và quân sự trong các cuộc tấn công mạng cũng được thể hiện, bao gồm ảnh hưởng đến bầu cử, cách mạng màu, chuyển số tiền khổng lồ…. Trong cuộc xung đột và chiến tranh giữa các quốc gia, tấn công mạng chắc chắn đã trở thành một phương tiện, cho dù hiệu quả thế nào.