Tình hình quản lý, cung cấp và sử dụng chứng thư số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ

07:59 | 14/06/2019

Sự phát triển mạnh mẽ Chính phủ điện tử ở Việt Nam, đặc biệt sự ra đời của Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, chủ trương tăng cường điều hành công việc qua mạng, giảm thiểu công văn, giấy tờ, ứng dụng mạnh mẽ chữ ký số chuyên dùng phục vụ công tác quản lý, điều hành, các dịch vụ công trực tuyến đã dẫn đến nhu cầu sử dụng và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký chuyên dùng Chính phủ tăng nhanh và đột biến. Tình hình trên đã đặt ra những nhiệm vụ mới cho Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin nói riêng và Ban Cơ yếu Chính phủ nói chung trong triển khai, quản lý, sử dụng và khai thác hiệu quả chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ.

Công tác triển khai nhiệm vụ năm 2018

Trong năm 2018, Cục CTS&BMTT đã chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng của bộ, ngành và địa phương triển khai ứng dụng chữ ký số nhằm đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, minh bạch, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, trong đó có một số kết quả chính đạt được như sau:

Công tác tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước

Đã tham mưu giúp Ban Cơ yếu Chính phủ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số (thay thế Nghị định 26/2007/NĐ-CP). Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định 130/2018/NĐ-CP; chủ động đề xuất mô hình nghiệp vụ trong việc quản lý, cấp phát chứng thư số theo quy định của Nghị định 130/2018/NĐ-CP.

Cục CTS&BMTT đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Văn phòng Chính phủ hoàn thiện hồ sơ trình Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và tham gia Tổ tư vấn về Chính phủ điện tử, chủ động tham mưu các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đã tham mưu giúp Ban Cơ yếu Chính phủ ban hành Kế hoạch 1007/KH-BCY ngày 26/10/2018 về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg ngày 12/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước.

Tham mưu xây dựng các văn bản quản lý, văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực cung cấp, quản lý chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tích cực tham gia ý kiến vào các văn bản khi được Ban và các cơ quan, đơn vị yêu cầu, bảo đảm chất lượng và thời gian.

Kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng và triển khai

Tham mưu, trình Trưởng ban Cơ yếu Chính phủ ban hành Kế hoạch số 801/KH-BCY ngày 24/8/2018 về kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số trong các cơ quan Nhà nước năm 2018; đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông thành lập Đoàn công tác liên ngành tổ chức kiểm tra, đánh giá tại 01 bộ và 07 địa phương. Qua công tác kiểm tra, đánh giá đã kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp xử lý phù hợp.

Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ

Triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học, đặc biệt Trưởng ban đã có các quyết định đưa sản phẩm của 02 đề tài về chữ ký số cho thiết bị di động vào sử dụng trong thực tế, bước đầu đáp ứng nhu cầu triển khai chữ ký số trên thiết bị di động của một số bộ, ngành, địa phương, nổi bật trong đó:

- Triển khai giải pháp sử dụng SIM PKI cho Văn phòng Chính phủ.

- Triển khai giải pháp sử dụng công nghệ Thẻ bảo mật theo Kế hoạch 184-KH/VPTW/nb ngày 25/9/2018 của Văn phòng Trung ương Đảng.

Tiếp tục hỗ trợ triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào các hệ thống thông tin chuyên ngành, chương trình, ứng dụng điều hành tác nghiệp của các bộ, ngành, địa phương theo yêu cầu.

Về công tác quản lý, duy trì hạ tầng kỹ thuật

Thường xuyên duy trì và quản lý hạ tầng kỹ thuật của hệ thống chứng thực số chuyên dùng Chính phủ và các hệ thống thông tin; tổ chức trực giám sát kỹ thuật 24/7 nhằm đảm bảo cho hạ tầng kỹ thuật được hoạt động ổn định, liên tục, an toàn và hiệu quả.

Công tác bảo đảm và triển khai chứng thư số

Đã phối hợp với Cục Cơ yếu các bộ, ngành và các cơ quan liên quan tổ chức xây dựng kế hoạch, bảo đảm cung cấp chứng thư số đáp ứng 100% yêu cầu của các Bộ, ngành, địa phương.

Trong điều kiện nhu cầu sử dụng chứng thư số tăng đột biến, Cục CTS&BMTT đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp: tăng thời gian và nhân lực, áp dụng các giải pháp kỹ thuật, điện tử hóa quy trình, sử dụng hệ thống chuyển phát nhanh,… đã nâng cao năng suất và tiến độ cung cấp. Tính đến thời điểm hết năm 2018 đã cung cấp và đảm bảo cho gần 51.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước (tăng khoảng 250% so với cùng kỳ năm 2017).

Công tác hỗ trợ kỹ thuật

Phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước ứng dụng, triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình sử dụng; đã thực hiện khôi phục thiết bị lưu khóa bí mật cho gần 1.380 thiết bị lưu khóa bí mật, hỗ trợ kỹ thuật cho 158 cơ quan thuộc các Bộ, ngành và địa phương với tổng số gần 6.540 yêu cầu.

Phương hướng nhiệm vụ năm 2019

Năm 2019, toàn Ngành Cơ yếu tiếp tục phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giao. Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin tiếp tục phấn đấu thực hiện tốt chức năng tham mưu, giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về tổ chức, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng; tổ chức thực hiện cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, bảo mật, xác thực và an toàn thông tin trong các giao dịch điện tử phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có một số nhiệm vụ trọng tâm như sau:

1. Tập trung tham mưu, phối hợp và giúp Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 130/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Tham mưu giúp Trưởng ban báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp. Tham mưu các nội dung xây dựng Chính phủ điện tử theo nhiệm vụ được phân công;

2. Phối hợp với Cục Cơ yếu các bộ, ngành tăng cường hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết tình hình cung cấp, quản lý chứng thư số. Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lĩnh vực chữ ký số chuyên dùng. Tích cực hướng dẫn các đơn vị chuyên trách công nghệ thông tin của các Bộ, ngành Trung ương và địa phương sử dụng chứng thư số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng phục vụ các dịch vụ công trực tuyến;

3. Tiếp tục duy trì an toàn, liên tục và phát triển, mở rộng hạ tầng kỹ thuật hệ thống chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan thuộc hệ thống chính trị;

4. Tập trung đổi mới, nâng cao năng lực hoạt động cung cấp, quản lý chứng thư số nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu ứng dụng và triển khai chứng thư số của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội. Triển khai điện tử hóa quy trình cung cấp, quản lý chứng thư số theo quy định của Nghị định 130/2018/NĐ-CP;

5. Tiếp tục thực hiện tốt công tác nghiên cứu và phát triển khoa học công nghệ về xác thực và bảo mật thông tin; nghiên cứu, xây dựng và phát triển các ứng dụng xác thực và bảo mật thông tin sử dụng các dịch vụ chứng thực điện tử chuyên dùng Chính phủ, đặc biệt là các nghiên cứu triển khai chữ ký số cho thiết bị di động, các công nghệ xác thực mới.

Công tác triển khai thực hiện Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg

Hội nghị Sơ kết công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ theo Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg về gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước đã được Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 29/3/2019, tại Hà Nội.

Tại Hội nghị sơ kết, VPCP đã trao Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP cho 12 tập thể và 50 cá nhân có nhiều đóng góp trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg. Ban Cơ yếu chính phủ vinh dự có 02 tập thể và 05 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng trao Bằng khen cho Cục Chứng thực Số và Bảo mật Thông tin (Ban Cơ yếu Chính phủ) vì đã có thành tích xuất sắc trong quá trình triển khai Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg

Đối với Ban Cơ yếu Chính phủ, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 28/2018/QĐ-TTg, Ban Cơ yếu Chính phủ đã xây dựng kế hoạch số 1007/KH-BCY để triển khai thực hiện Quyết định của Thủ tướng. Kế hoạch được triển khai với 10 nhiệm vụ thuộc 03 nhóm nội dung chính, cụ thể như sau:

1. Về bảo đảm cung cấp chứng thư số phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử:

Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã cung cấp trên 150.000 chứng thư số cho các bộ, ngành, địa phương trong cả nước. Trong đó, đối với bộ, ngành Trung ương, đã cấp 17/30 chứng thư số cho tổ chức đạt 57% và 96/154 chứng thư số cho Lãnh đạo của các bộ, ngành Trung ương đạt 62%. Đối với địa phương, đã cấp 49/63 chứng thư số cho tổ chức đạt 78% và 118/262 chứng thư số cho Lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương đạt 49%.

Để triển khai theo lộ trình quy định tại Điều 21 Quyết định 28/2018/QĐ-TTg, ngày 16/11/2018, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có văn bản số 372/BCY-CTSBMTT đề nghị các bộ, ngành, địa phương trong cả nước đề xuất nhu cầu sử dụng chứng thư số và giải pháp xác thực chữ ký số. Đến nay, Ban Cơ yếu Chính phủ đã nhận được văn bản đề xuất của 12/30 (40%) bộ, ngành Trung ương và 26/63 (41%) địa phương.

2. Về nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền rút ngắn quy trình cấp mới, cấp đổi, cấp lại chứng thư số

Ban Cơ yếu Chính phủ đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/9/2018 quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số. Trong đó, thủ tục hành chính cấp mới, cấp đổi, cấp lại chứng thư số chuyên dùng Chính phủ đã được rút ngắn tối đa theo quy trình 3 cấp (Thuê bao, Cơ quan quản lý trực tiếp, Ban Cơ yếu Chính phủ), thời gian thực hiện cung cấp chứng thư số giảm 13 ngày so với trước đây (từ 17 ngày xuống còn 04 ngày).

3. Triển khai giải pháp ký số, xác thực chữ ký số cho thiết bị di động:

Ban Cơ yếu Chính phủ đã chủ động nghiên cứu và đưa vào sử dụng giải pháp ký số, xác thực chữ ký số trên thiết bị di động để thuận tiện cho việc sử dụng của cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước. Đến nay, đã triển khai 679 bộ sản phẩm ký số trên thiết bị di động cho 07 bộ, ngành Trung ương và 08 địa phương. Đồng thời, đã phối hợp với các doanh nghiệp phát triển phần mềm (Viettel, VNPT...) tích hợp giải pháp ký số sử dụng SIM PKI vào phần mềm V-Office triển khai tại Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ; I-Office tại Bộ Thông tin và Truyền thông và một số tỉnh/thành phố.

Về hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương về giải pháp tích hợp chữ ký số và xác thực chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành, Ban Cơ yếu Chính phủ đã xây dựng bộ công cụ ký số và văn bản hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương tích hợp chữ ký số và xác thực chữ ký số trên hệ thống quản lý văn bản và điều hành. Đồng thời, đã nâng cấp bộ công cụ ký số theo quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ và đăng tải bộ công cụ trên trang thông tin điện tử của Ban Cơ yếu Chính phủ (http://ca.gov.vn) để phục vụ các bộ, ngành, địa phương triển khai tích hợp.

Trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục tập trung nâng cao chất lượng và tiến độ cung cấp chứng thư số, giải pháp xác thực chữ ký số đáp ứng kịp thời yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương. Trong đó, tập trung đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đề xuất nhu cầu sử dụng chứng thư số và đẩy mạnh việc hỗ trợ tích hợp chữ ký số theo quy định tại Thông tư 01/2019/TT-BNV của Bộ Nội vụ. Trong đó, đến ngày 30/6/2019 phấn đấu 100% cơ quan hành chính nhà nước và cán bộ cấp Cục, Vụ, Sở tương đương trở lên được cấp chứng thư số để phục vụ quản lý, điều hành, xử lý công việc, đảm bảo mục tiêu đến ngày 15/4/2019 thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử trên Trục liên thông văn bản quốc gia ổn định, thông suốt.