Tình hình triển khai Chính phủ điện tử tại Việt Nam đầu năm 2017

13:00 | 07/09/2017

Tính đến tháng 4/2017, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố đã cơ bản hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ.

Tình hình triển khai một số nhiệm vụ  trọng tâm của Nghị quyết 36a

Kết nối liên thông với Văn phòng Chính phủ

Theo báo cáo “Tình hình thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP của Chính phủ về Chính phủ điện tử Quý I/2017”, đã có 29/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 61/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lập kế hoạch hành động xây dựng Chính quyền điện tử. 

Đối với tình hình thực hiện các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, tính đến hết tháng 3/2017 đã có 34/73 nhiệm vụ được đánh giá là đã hoàn thành, đạt tỷ lệ trên 46% (so với 31 nhiệm vụ hoàn thành đạt tỷ lệ 41% cuối năm 2016).

Về cơ bản đã hoàn thành kết nối, liên thông các hệ thống quản lý văn bản của các Bộ, ngành, địa phương với Văn phòng Chính phủ. Đã có 26/30 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 63/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoàn thành kết nối liên thông phần mềm quản lý văn bản tới Văn phòng Chính phủ, hình thành một hệ thống quản lý văn bản điện tử thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương, cho phép tự động nhận biết được trạng thái xử lý văn bản giữa các cơ quan.

Ngoại trừ Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là 3 cơ quan đặc thù, đang nghiên cứu phương án kết nối riêng để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang triển khai tích hợp thông tin kết quả thực hiện ý kiến chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (theo Quy chế được ban hành kèm theo Quyết định số 42/2014/QĐ-TTg ngày 27/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ) lên hệ thống kết nối liên thông cập nhật tình hình, theo dõi kết quả một cách tự động, chính xác.

Các cơ quan chưa ban hành kế hoạch hành động là: Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và tỉnh Đắk Lắk, tỉnh Phú Yên.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến và thiết lập Cổng dịch vụ công Quốc gia

Đối với các Bộ, ngành, địa phương, kết quả báo cáo cho thấy, các Bộ, ngành đã triển khai thực hiện 78/83 dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được giao (đạt 94%). Trong đó, có 64 DVCTT mức độ 3; 16 DVCTT mức độ 4. Ngoài ra, các Bộ, ngành đã chủ động cung cấp 34 DVCTT, trong đó có 22 DVCTT mức độ 3; 12 DVCTT mức độ 4. Có 32/63 địa phương đã triển khai thực hiện được từ 22 đến 44/44 DVCTT, đạt từ 50% trở lên; có 27/59 địa phương đã triển khai thực hiện được từ 02-20/44 DVCTT, đạt dưới 50%, trong đó có 3/63 địa phương chưa triển khai.

Đáng chú ý, theo kết quả xếp hạng về mức độ sẵn sàng cho ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin - truyền thông năm 2016 vừa được Bộ TT&TT phối hợp cùng Hội Tin học Việt Nam công bố ngày 22/3/2017, trong nhóm 20 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ có dịch vụ công, vị trí dẫn đầu tiếp tục thuộc về Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hai đơn vị này cũng đứng đầu bảng xếp hạng các năm 2014, 2015.



Tình hình cụ thể triển khai Chính phủ điện tử ở các Bộ, ngành, địa phương

Văn phòng Chính phủ: đã kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản của các Bộ, ngành, địa phương. Hiện nay, Văn phòng Chính phủ đang triển khai thiết lập hệ thống điện tử lấy ý kiến xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác, nhằm giảm thời gian xây dựng văn bản; thiết lập mạng xã hội - chính quyền, để người dân tham gia ý kiến trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, Văn phòng Chính phủ cũng đang thiết lập Cổng dịch vụ công quốc gia để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các Bộ, ngành, địa phương; ban hành danh mục các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện. Ngoài ra, Văn phòng Chính phủ cũng đã thiết lập trang tin doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ để công bố thông tin về doanh nghiệp nhà nước; đã phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương công khai tiến độ giải quyết hồ sơ trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT): Đã cấp giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp và giấy phép ra kênh, chương trình chuyên quảng cáo qua mạng điện tử;

Bộ TT&TT đang thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần hạ tầng viễn thông của Việt Nam theo phương pháp đánh giá phát triển Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc đã thực hiện năm 2016. Đồng thời, triển khai các bước xây dựng và hướng dẫn thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin kết hợp với hệ thống quản lý chất lượng ISO điện tử.

Bộ Tài chính: Đang triển khai thực hiện hóa đơn điện tử trên toàn quốc, hiện Bộ đang thí điểm triển khai cho 200 doanh nghiệp; tiếp tục triển khai dịch vụ nộp thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử và phối hợp triển khai dịch vụ nộp thuế đất đai, lệ phí trước bạ, hộ cá nhân qua mạng; triển khai dịch vụ hoàn thuế điện tử tại các tỉnh, thành phố trên cả nước; tiếp tục hoàn thiện hệ thống hải quan điện tử, thực hiện cơ chế một của quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN; xây dựng các dịch vụ công điện tử phục vụ kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua mạng, triển khai tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các ngân hàng thương mại đẩy mạnh việc thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đã thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ đăng ký doanh nghiệp và đăng ký đầu tư qua mạng điện tử; công bố đầy đủ các quy định về điều kiện kinh doanh trên Trang tin doanh nghiệp và Cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp trực tuyến dữ liệu, thông tin về doanh nghiệp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo: Đã thực hiện các giải pháp để nâng cao chỉ số thành phần nguồn nhân lực của Việt Nam theo phương pháp đánh giá Chính phủ điện tử của Liên Hợp quốc; tiếp tục triển khai xây dựng phương án và hướng dẫn xét tuyển đầu cấp học trên toàn quốc qua mạng điện tử; xây dựng và đưa vào triển khai hệ thống thông tin quản lý giáo dục; đẩy mạnh xã hội hóa đào tạo các cấp học trên mạng và ứng dụng tin học trong dạy và học, sách giáo khoa điện tử.

Bộ Giao thông vận tải: Đã xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc về việc cấp, đổi giấy phép lái xe; đổi, cấp giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô và chấp thuận khai thác tuyến cố định; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hạ tầng, tổ chức điều hành giao thông, thu phí. Cụ thể, Bộ đã lắp đặt và vận hành hệ thống thu phí điện tử tại 5 trạm thu phí, triển khai hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên phạm vi cả nước.

Bộ Xây dựng: Đã công khai quy hoạch xây dựng các đô thị toàn quốc; đang triển khai xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với cấp giấy phép xây dựng; thiết lập hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản.

Bộ Tư pháp: Đã xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp lý lịch tư pháp; đăng ký giao dịch bảo đảm về động sản (trừ tàu bay, tàu biển) và các dịch vụ công trong lĩnh vực quốc tịch; hoàn thành hệ thống thông tin về văn bản quy phạm pháp luật thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, Bộ cũng đang triển khai một số nội dung: hệ thống thông tin về quản lý hộ tịch; thực hiện khai sinh, khai tử qua mạng điện tử;....

Bộ Khoa học và Công nghệ: đang triển khai xây dựng hệ thống thông tin quản lý đề tài, dự án khoa học và công nghệ trên mạng; xây dựng chương trình và tổ chức thực hiện nghiên cứu, phát triển sản phẩm công nghệ thông tin phục vụ Chính phủ điện tử.

Bộ Y tế: Đã hoàn thành kết nối hệ thống thông tin quản lý khám chữa bệnh, thanh toán bảo hiểm y tế qua mạng điện tử và vận hành hệ thống tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh; đã triển khai rất nhiều nội dung như: xây dựng các định mức chi trả cho hoạt động CNTT trong công tác khám, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế; xây dựng bệnh án điện tử; hệ thống thông tin quản lý tiêm chủng, bệnh truyền nhiễm và bệnh không lây nhiễm.

UBND TP. Hà Nội và UBND TP. Hồ Chí Minh: Đã triển khai đăng ký kinh doanh và cấp giấy chứng nhận đầu tư qua mạng điện tử đúng chỉ tiêu đề ra; đang nâng cấp hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông và ứng dụng CNTT, làm cơ sở hình thành hệ thống giao thông thông minh. UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đang triển khai ứng dụng CNTT và công tơ điện thông minh để đo đếm điện năng từ xa.

Hoàn thiện cơ chế chính sách về tài chính và đầu tư trong lĩnh vực CNTT

Chính phủ cũng đã có tờ trình số 406/TTr-CP ngày 14/10/2016 trình Quốc hội về dự án Nghị quyết của Quốc hội về một số giải pháp về thuế nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó có đề xuất giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân đối với nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT.

Thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng dự thảo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển và dự kiến tiêu chí, điều kiện, trình tự, thủ tục xác định cụ thể đối với nhân lực công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT.

Bộ Tài chính đã hoàn thành dự thảo và trình phê duyệt, ban hành thông tư hướng dẫn mục lục ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 thay thế Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC, trong đó quy định liên quan đến lĩnh vực CNTT.

Văn phòng Chính phủ tiếp tục phối hợp với Bộ TT&TT, Bộ Tư pháp và các Bộ, cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng vốn nhà nước.

Trên cơ sở tình hình triển khai Chính phủ điện tử nêu trên, Văn phòng Chính phủ đã kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nội dung như:

- Tập trung triển khai, hoàn thành các nhiệm vụ cụ thể được giao tại Nghị quyết 36a, đặc biệt là đối với các nhiệm vụ có thời hạn cụ thể; khẩn trương hoàn thành việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ đồng ý ban hành.

- Bộ TT&TT, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tập trung triển khai các giải pháp nâng cao nhóm chỉ số về hạ tầng viễn thông và nguồn nhân lực theo phương pháp đánh giá của Liên Hợp quốc và các tổ chức quốc tế như: UNDP, ITU, UNESCO để nâng cao thứ hạng chỉ số Chính phủ điện tử của Việt Nam trong bảng xếp hạng của Liên Hợp quốc trong giai đoạn tiếp theo.