Triển khai Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4

14:29 | 10/04/2017

Đó là chủ đề chính của Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử diễn ra ngày 05/4/2017 tại Hà Nội. Sự kiện do Sở TTT&TT Hà Nội phối hợp cùng IDG Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Văn phòng Chính phủ và UBND TP. Hà Nội.


Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu chào mừng Hội thảo

Tham dự Hội thảo có các đồng chí: Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội; Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc một số Bộ, ngành;  Sở TT&TT một số tỉnh, thành phố, các chuyên gia trong và ngoài nước.

Trong những năm qua, việc thực hiện Nghị quyết 36a, lộ trình phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT) tại Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực. Trong lộ trình phát triển CPĐT, việc xây dưng hạ tầng công nghệ tốt song song với việc bảo đảm ATTT là điều thiết yếu. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các cơ quan chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp cần chú trọng hơn nữa đến việc nâng cao chất lượng hạ tầng công nghệ, xây dựng cơ sở dữ liệu, ứng dụng các giải pháp ATTT phù hợp nhằm ứng phó kịp thời với các sự cố ATTT.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội chia sẻ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 được mở đầu bằng những đột phá khoa học vào thế giới vĩ mô, hình thành những công nghệ mới như công nghệ nano, in 3D, sinh học phân tử, di truyền, trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật… đã và đang làm biến đổi toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý, quản trị của mỗi quốc gia. Trong thời gian không xa, cuộc cách mạng này sẽ có tác động mạnh mẽ tới đời sống sản xuất của con người, kết nối Internet vạn vật trở nên phổ biến, nhiều hoạt động sẽ được thực hiện bằng trí tuệ nhân tạo. Bởi vậy, hội thảo năm nay với chủ đề Triển khai Chính phủ điện tử trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Tầm nhìn & giải pháp công nghệ” đã bám sát vấn đề đang được quan tâm trong nước và trên thế giới.



Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội phát biểu tại Hội thảo

Ông Ngô Văn Quý, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đánh giá: phạm vi, tầm ảnh hưởng và mức độ phức tạp của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 là vô cùng lớn, trong đó có cả cơ hội và thách thức cho người dân, doanh nghiệp và chính phủ. Các chính phủ sẽ phải thay đổi cách tiếp cận với những cam kết trước công chúng và với việc làm chính sách. Trong những năm qua, TP. Hà Nội luôn quan tâm tới ứng dụng CNTT để làm thay đổi phương thức điều hành, quản lý, thúc đẩy cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị của Thành phố. Hà Nội đã dần hoàn thiện các thành phần cơ bản của CPĐT, bao gồm trung tâm dữ liệu nhà nước, mạng diện rộng WAN, cổng giao tiếp điện tử thành phố, hệ thống và giải pháp ATTT đã bước đầu được triển khai, hệ thống hạ tầng kỹ thuật tại các đơn vị đã từng bước được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu triển khai ứng dụng CNTT của các đơn vị....


Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cũng chia sẻ thêm, theo Báo cáo của Liên Hợp quốc công bố tháng 7/2016, Việt Nam xếp thứ 89/193 trên thế giới về chỉ số phát triển CPĐT, tăng 10 hạng so với năm 2014, đứng thứ 6 trong ASEAN và cũng chính thức gia nhập nhóm các nước có chỉ số phát triển CPĐT cao. Chỉ số thành phần về cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam cũng được đánh giá ở mức cao, xếp hạng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á. Ông Lê Mạnh Hà nhấn mạnh, cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vẫn là CNTT, chính quyền tập trung cho phát triển chính quyền điện tử các cấp. Do đó, không thể thực hiện mang tính chất  phong trào mà phải đi vào thực chất.


Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo diễn ra với những tham luận chính như: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và các vấn đề đặt ra đối với phát triển Chính phủ điện tử tại Việt Nam” của ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Cục Tin học hóa, Bộ TTT&TT. Ông Nguyễn Thành Phúc đã phân tích rõ hiện trạng CPĐT ở Việt Nam, hầu hết các Bộ, ngành, Tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ứng dụng CNTT trong công tác chỉ đạo, điều hành và cung cấp thông tin, phổ biến các văn bản, chính sách pháp luật, cung cấp thông tin kết quả về giải quyết các thủ tục hành chính. Nhiều ứng dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tham luận “Đảm bảo xác thực và bảo mật phục vụ triển khai chính phủ điện tử” của ông Đặng Duy Mẫn, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã thu hút được sự quan tâm của đại biểu tham dự. Các chuyên gia tập đoàn Microsoft, Nhật Cường Software, Dell EMC  đã tham gia trao đổi sâu về các vấn đề công nghệ.

Phiên thảo luận “Tầm nhìn và giải pháp phát triển thành phố thông minh” vớinội dung chuyên sâu, đã tạo cơ hội cho các bên liên quan cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất những sáng kiến trong lộ trình xây dựng CPĐT.

Với sự tham gia của lãnh đạo của các cơ quan Ban, ngành của Chính phủ và các chuyên gia công nghệ, Hội thảo đã phản ánh được thực trạng của việc ứng dụng CNTT trong sự phát triển của CPĐT, đồng thời cũng đưa ra những giải pháp nhằm tăng cường năng lực quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước, nâng cao mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với các dịch vụ công nhằm tận dụng cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.

Trong khuôn khổ Hội thảo, triển lãm công nghệ về Chính phủ điện tử 2017 đã giới thiệu các giải pháp công nghệ hiện đại, tối ưu như: Hạ tầng truyền thông, Trung tâm cơ sở dữ liệu, Dữ liệu lớn, Điện toán đám mây, Hệ thống xác thực Quốc gia, Trung tâm kết nối, Giải pháp quản lý & chia sẻ dữ liệu tiêu biểu, Bảo mật thông tin, Mã nguồn mở,….

Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử tại Việt Nam là sự kiện thường niên, là diễn đàn quốc gia uy tín để lãnh đạo các cơ quan nhà nước và các chuyên gia công nghệ có cơ hội gặp gỡ, thảo luận và chia sẻ về những giải pháp CNTT toàn diện, giúp tăng cường cải cách hành chính, góp phần nâng cấp hệ thống dịch vụ công, giúp khối Chính phủ nâng cao năng lực vận hành và quản lý Nhà nước.