Thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục chủ động, tích cực tham mưu cho Đảng, Nhà nước những nội dung liên quan đến định hướng, chiến lược phát triển trong lĩnh vực bảo đảm bí mật, an toàn thông tin, đặc biệt là lĩnh vực Cơ yếu, trong đó đã tích cực tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của Bộ Quốc phòng và Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai Nghị quyết số 56-NQ/TW về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045.
Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin (CTS&BMTT) triển khai nhiệm vụ trong điều kiện cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra những cơ hội mới, tác động và làm biến đổi toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội. Nhu cầu trao đổi thông tin qua mạng giữa các cơ quan, đơn vị ngày càng tăng, yêu cầu phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số quốc gia đã dẫn đến nhu cầu triển khai ứng dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong các giao dịch điện tử của các cơ quan Đảng, Nhà nước tăng mạnh. Trước những cơ hội và thử thách đó, Cục CTS&BMTT đã tập trung triển khai đồng bộ và hiệu quả nhiệm vụ trên tất cả các mặt công tác.
Toàn cảnh Hội nghị tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính trong các cơ quan Đảng, Nhà nước
MỘT SỐ KẾT QUẢ CÔNG TÁC TRONG NĂM 2022
Công tác tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước trong tổ chức, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu và luôn được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2022, Cục CTS&BMTT đã chủ động, tích cực tham mưu Lãnh đạo Ban ban hành các văn bản phục vụ công tác quản lý như: Kế hoạch số 61/ KH-BCY ngày 07/02/2022 về cải cách hành chính và chuyển đổi số trong Ban Cơ yếu Chính phủ giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 874/KH-BCY ngày 11/10/2022 về triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị định số 59/2022/NĐ-CP ngày 05/9/2022 của Chính phủ quy định về định danh và xác thực điện tử; Quyết định số 336/QĐ-BCY ngày 13/5/2022 ban hành Quy chế quản lý, sử dụng chữ ký số, chứng thư số chuyên dùng Chính phủ trong Ban Cơ yếu Chính phủ.
Để đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng chữ ký số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước, thời gian qua Cục CTS&BMTT đã triển khai nhiều nhiệm vụ quan trọng có thể kể đến như: Tổ chức sơ kết 03 năm thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ; Tham mưu tổ chức Hội nghị toàn quốc về tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cải cách hành chính và chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước; Tích cực theo dõi các chương trình, đề án trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời tham mưu ý kiến đóng góp đảm bảo chất lượng, tiến độ.
Công tác bảo đảm, triển khai chứng thư số cho các cơ quan, đơn vị tiếp tục được phát huy và đẩy mạnh. Trong thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực đổi mới hoạt động cung cấp, quản lý chứng thư số đáp ứng 100% yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Đề xuất và triển khai nhiều biện pháp đổi mới mạnh mẽ thủ tục, quy trình, giải pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và tiến độ cung cấp chứng thư số. Vì vậy, tuy số lượng yêu cầu cung cấp chứng thư số trong năm rất lớn, có thời điểm tăng đột biến song Ban Cơ yếu Chính phủ đã đảm bảo cung cấp kịp thời và đầy đủ cho các cơ quan đơn vị trên toàn quốc. Năm 2022 đã sản xuất, cung cấp hơn 140.000 chứng thư số; gia hạn, thay đổi nội dung thông tin hơn 8.300 chứng thư số; thu hồi hơn 12.000 chứng thư số trên toàn hệ thống
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin
Công tác quản lý, bảo đảm hạ tầng kỹ thuật hệ thống dịch vụ chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được duy trì ổn định. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật được bảo trì, bảo dưỡng định kỳ và bổ sung các thành phần an toàn thông tin theo cấp độ 4, đảm bảo an ninh, an toàn và tính sẵn sàng của hệ thống, đảm bảo tốt hoạt động cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số trực tuyến trên Internet, mạng truyền thông số liệu chuyên dùng Chính phủ và các mạng dùng riêng của một số bộ, ngành, đáp ứng trung bình khoảng 2.5 triệu lượt truy cập/ngày.
Công tác phát triển ứng dụng và nghiên cứu khoa học được tăng cường và đi vào thực chất, các sản phẩm nghiên cứu đạt chất lượng và có hiệu quả sử dụng trong thực tế. Trong năm 2022, Cục CTS&BMTT đã triển khai các đề tài nghiên cứu có hàm lượng khoa học và giá trị cao như: Nghiên cứu giải pháp xây dựng hệ thống quản lý xác thực định danh sử dụng hạ tầng chứng thực số chuyên dùng Chính phủ; Nâng cấp các phần mềm, thư viện tích hợp chữ ký số hỗ trợ chứng thư số và thuật toán mật mã dựa trên đường cong Elliptic. Tham mưu Lãnh đạo Ban ban hành quyết định đưa vào sử dụng đề tài: Nghiên cứu giải pháp và xây dựng sản phẩm, dịch vụ để bảo mật, xác thực tài liệu lưu trữ điện tử có thời hạn bảo quản lâu dài. Hơn nữa, để giúp các cơ quan, đơn vị sử dụng thuận tiện và hiệu quả chữ ký số, Cục CTS&BMTT tiếp tục thúc đẩy triển khai ứng dụng chữ ký số trên thiết bị di động, hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương triển khai tích hợp chữ ký số vào các hệ thống thông tin chỉ đạo, điều hành, các dịch vụ công trực tuyến. Xây dựng giải pháp thí điểm dịch vụ ký số tập trung sử dụng thiết bị HSM triển khai cho các cơ quan Đảng, Nhà nước theo yêu cầu chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế, giáo dục.
Công tác tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan Đảng, Nhà nước trong quá trình quản lý, triển khai, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ được thực hiện hiệu quả, đảm bảo nhanh chóng, không để xảy ra sai sót và đúng theo quy trình, quy định. Năm 2022, công tác hỗ trợ đã thực hiện mở khóa cho 4.735 thiết bị lưu khóa bí mật; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật cho các cơ quan thuộc các bộ, ngành, địa phương với tổng số hơn 100.000 lượt yêu cầu qua hệ thống điện thoại. Trước nhu cầu lớn về tư vấn, hỗ trợ sử dụng chữ ký số và dự báo ngày càng tăng cao trong thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ đã đầu tư phát triển hạ tầng, nền tảng công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động trong công tác hỗ trợ kỹ thuật của Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Với hệ thống được trang bị hiện đại, mọi yêu cầu từ phía người dùng dịch vụ sẽ được hỗ trợ tối đa nhằm đạt được sự hài lòng trong quá trình sử dụng của cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị.
Công tác kiểm tra, đánh giá về quản lý, triển khai, sử dụng chữ ký số được tiến hành thường xuyên và đạt kết quả cao. Cục CTS&BMTT đã tham mưu Lãnh đạo Ban tổ chức Đoàn kiểm tra liên ngành giữa Ban Cơ yếu Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông tại 03 tỉnh: Lạng Sơn, Thanh Hóa, Đồng Tháp. Công tác kiểm tra được tiến hành thực chất, khách quan, có số liệu cụ thể và được thực hiện tới cấp cơ sở. Từ đó, kịp thời phát hiện những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý và sử dụng chữ ký số trong cơ quan nhà nước để có biện pháp khắc phục, điều chỉnh bảo đảm tính thống nhất, chặt chẽ và đúng quy định. Ngoài ra, công tác huấn luyện, tập huấn tiếp tục được thực hiện hiệu quả, đảm bảo chất lượng. Thời gian qua, Cục CTS&BMTT đã tích cực tham gia và thường xuyên cử cán bộ, chuyên gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cho các cơ quan, đơn vị trên toàn quốc. Đây là hình thức tuyên truyền hiệu quả góp phần nâng cao giá trị, tầm quan trọng của chữ ký số, giúp cho lãnh đạo, cán bộ, công chức tại các cơ quan, đơn vị ứng dụng chữ ký số hiệu quả và thiết thực.
Ghi nhận những thành tựu đạt được trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, ngày 11/8/2022 Cục CTS&BMTT đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CÔNG TÁC CHỨNG THỰC CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG CHÍNH PHỦ TRONG NHỮNG NĂM TỚI
Những năm tiếp theo, dự báo nhu cầu làm việc qua môi trường mạng và tình hình ứng dụng, triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ công tác quản lý, điều hành, cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong bối cảnh chuyển đổi số là rất lớn. Để tiếp tục phát huy thế mạnh, hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ được giao, thời gian tới công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ cung cấp, quản lý và sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cần tập trung tham mưu, triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm chủ yếu như sau:
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý về giao dịch điện tử và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.
- Khẩn trương triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” và Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 26/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.
- Đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chữ ký số. Nâng cao năng lực tham mưu cho Lãnh đạo, tăng cường công tác tập huấn, huấn luyện nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phụ trách triển khai chữ ký số tại các cơ quan Đảng, Nhà nước.
- Tiếp tục phát triển, mở rộng và tập trung nâng cấp mật mã, chuyển đổi mật mã cho Hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đảm bảo bảo mật, an toàn trước sự phát triển của công nghệ lượng tử.
- Tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá để kịp thời phát hiện những tồn tại, bất cập, khó khăn, vướng mắc, từ đó có các biện pháp giải quyết phù hợp và hiệu quả.