Điều đáng chú ý nhất trong Luật Chống gián điệp sửa đổi mà Trung Quốc vừa ban hành là việc nước này định nghĩa lại “các hoạt động gián điệp”. Cụ thể, các tổ chức, cá nhân được coi là hoạt động gián điệp khi:
- Thực hiện, xúi giục hoặc tài trợ cho người khác thực hiện các hoạt động gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Trung Quốc.
- Tham gia, nhận nhiệm vụ hoặc núp bóng một tổ chức gián điệp hoặc một nhánh của tổ chức gián điệp.
- Đánh cắp, do thám, mua bán, cung cấp thông tin mật và các tài liệu, dữ liệu, đồ vật khác có liên quan đến lợi ích, an ninh quốc gia hoặc lôi kéo, ép buộc nhân viên nhà nước nổi loạn.
- Tấn công, xâm nhập, phá hoại cơ sở vật chất không gian mạng của cơ quan nhà nước, đơn vị liên quan đến bảo mật hoặc cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu.
- Tiết lộ mục tiêu để địch tấn công.
Luật sửa đổi cho phép các cơ quan chức năng tiến hành điều tra chống gián điệp có quyền truy cập vào dữ liệu, thiết bị điện tử, thông tin về tài sản cá nhân và cũng cấm các hoạt động qua lại biên giới. Các cuộc tấn công mạng cũng được phân loại là hành vi gián điệp.
Bên cạnh đó, phạm vi điều tra của các cáo buộc gián điệp sẽ được mở rộng từ hành vi đánh cắp “bí mật nhà nước” sang việc thu thập “tất cả dữ liệu và tài liệu, vật phẩm liên quan an ninh quốc gia”. Luật Chống gián điệp sửa đổi cũng nhấn mạnh việc “bán thông tin cho các tổ chức gián điệp và đặc vụ của họ” hoặc “tiến hành các cuộc tấn công mạng nhằm vào các cơ quan trọng yếu của Chính phủ Trung Quốc” là phi pháp.
Cơ quan lập pháp hàng đầu của Trung Quốc đã thông qua Luật Chống gián điệp sửa đổi, đây là bản cập nhật đầu tiên kể từ năm 2014. Luật này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2023.