Toàn cảnh Hội thảo
Hội thảo được tổ chức nhằm giúp các cán bộ, giảng viên của nhà trường nâng cao nhận thức về lý luận cũng như thực tiễn về kinh tế tư nhân định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đánh giá những mặt tích cực, hạn chế và đề xuất các giải pháp cho sự phát triển của nền kinh tế này trong giai đoạn hiện nay.
GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tại Hội thảo
Hội thảo do GS.TS.NGND Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng nhà trường chủ trì. Tham dự Hội thảo, có Lãnh đạo nhà trường, nhiều đại biểu, khách mời là chuyên gia nhà kinh tế, cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị, phòng ban chức năng trong nhà trường.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Bùi Văn Can, Chủ nhiệm Khoa Kinh tế cho rằng, đối với Việt Nam, phát triển kinh tế tư nhân để khởi động một bộ phận quan trọng có nhiều tiềm năng, gia tăng quy mô và nội lực kinh tế của đất nước. Việc xây dựng và vận hành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta là một vấn đề có ý nghĩa lý luận và thực tiễn trọng đại. Nó liên quan đến khuôn khổ pháp lý cũng như các yếu tố của môi trường Đầu tư - Kinh doanh và nhiều yếu tố khác, phục vụ cho sự phát triển nhanh và bền vững của tất cả các khu vực kinh tế. Chính thể chế kinh tế này sẽ có tác động rất lớn đến sự phát triển của mọi khu vực kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân. Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực cho tăng trưởng kinh tế ở nước ta như đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đã khẳng định thì chính phủ phải kiến tạo được những nền tảng pháp lý vững chắc, thông thoáng và minh bạch cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển. TS. Bùi Văn Can cũng bày tỏ mong muốn thông qua hội thảo lần này, các nhà khoa học tham dự sẽ đưa ra những ý kiến, giải pháp hữu hiệu để phát triển nền kinh tế tư nhân dưới sự tác động đa chiều của công nghệ 4.0.
Thay mặt cho Ban Giám hiệu nhà trường phát biểu tại Hội thảo, GS,TS,NGND. Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng cho biết, chủ trương phát triển kinh tế tư nhân gắn liền với chủ trương phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN ở nước ta đã được Đảng ta đã nhận định hết sức đúng đắn rằng: kinh tế thị trường là sản phẩm của văn minh nhân loại, có thể tồn tại và thích ứng với nhiều hình thái xã hội khác nhau; kinh tế thị trường phát triển với trình độ cao dưới chủ nghĩa tư bản, song không đồng nhất với chủ nghĩa tư bản và cũng không đối lập với chủ nghĩa xã hội. Kinh tế tư nhân là chủ thể quan trọng nhất trong nền kinh tế thị trường hiện đại. Mặc dù quy mô của khu vực tư nhân có thể khác nhau trong các mô hình kinh tế thị trường đa dạng, song có một điều chắc chắn rằng, nếu không có khu vực kinh tế tư nhân thì sẽ không có nền kinh tế thị trường theo đúng nghĩa của nó. Dù không hoàn hảo, song kinh tế thị trường vẫn chứng tỏ là một cơ chế huy động, phân bổ nguồn lực, thúc đẩy sáng tạo và phát triển được coi là tốt nhất hiện nay. Chính hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân giúp vận hành cơ chế đó. Một khu vực kinh tế tư nhân phát triển chưa chắc mang lại một nền kinh tế thị trường hoàn hảo. Tự thân khu vực kinh tế tư nhân không giúp khắc phục những khiếm khuyết và “thất bại” của thị trường. Nếu không phát triển kinh tế tư nhân sẽ không thể phát huy hết thế mạnh của kinh tế thị trường, không thể khai thác hết nguồn lực phát triển to lớn của xã hội. Chính vì vậy, nền kinh tế tư nhân cũng đang gặp một số khó khăn, thách thức nhất định cần được tháo gỡ, giải quyết.
GS. Vũ Văn Hóa hy vọng các tham luận được trình bày trong hội thảo sẽ chỉ rõ những vấn đề vướng mắc của nền kinh tế tư nhân trong giai đoạn hiện nay để đưa ra giải pháp hữu dụng, qua đó góp phần nâng cao hoạt động nghiên cứu khoa học của các cán bộ, giảng viên trong Khoa Kinh tế của nhà trường.
Thông qua 06 tham luận của các chuyên gia kinh tế và các cán bộ, giảng viên nhà trường, những vấn đề liên quan đến nền kinh tế tư nhân đã được bình luận sâu sắc, mang đến những cái nhìn toàn diện và đa chiều về hình thức kinh tế này, đồng thời, cũng đưa ra những khuyến nghị chính sách hợp lý nhằm quản lý, phát triển cũng như kiểm soát nó hiệu quả hơn trong thời gian tới.