Truyền thông - cầu nối nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin trên toàn thế giới

23:00 | 28/09/2023

Với sự phổ biến của Internet, mạng xã hội, các thông tin được lan truyền với tốc độ nhanh chóng và rất khó kiểm soát, trong đó nhiều thông tin có nguồn gốc không đáng tin cậy, thông tin sai sự thật, trở thành những mối lo ngại được chính phủ các nước đặc biệt quan tâm. Do đó, truyền thông có một nhiệm vụ quan trọng là hỗ trợ cơ quan quản lý và chính phủ trong việc định hướng dư luận xã hội để ngăn chặn các luồng thông tin sai lệch, không chính thống. Có thể nói truyền thông là nhân tố, phương tiện có sức mạnh đặc biệt to lớn trong việc định hướng nhận thức và hình thành dư luận xã hội về an toàn thông tin. Với vai trò quan trọng của mình, truyền thông là cầu nối giúp tuyên truyền, phổ biến các chính sách, nâng cao nhận thức về an ninh, an toàn thông tin không chỉ tại Việt Nam mà còn trên toàn thế giới. 

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA TRUYỀN THÔNG TRONG VIỆC NÂNG CAO NHẬN THỨC VỀ AN NINH, AN TOÀN THÔNG TIN TOÀN CẦU

Thực tiễn một số nước trên thế giới trong những năm gần đây cho thấy, các phương tiện truyền thông xã hội đã có những tác động, ảnh hưởng lớn đến chính trị, đóng vai trò là những công cụ định hướng tư tưởng, văn hóa của người dân. Mỗi ngày có hàng trăm tin bài được đăng tải trên các website và phương tiện thông tin đại chúng, phản ánh nhiều mặt liên quan đến an ninh, an toàn thông tin. Qua đó có thể thấy được tầm quan trọng của truyền thông trong nhiều khía cạnh như:

- Góp phần xây dựng chính sách và quy định: Với vai trò là nguồn thông tin và đối tác đáng tin cậy, truyền thông có thể tạo áp lực cho các chính quyền và tổ chức quốc tế để thúc đẩy việc xây dựng chính sách và quy định về an ninh, an toàn thông tin. Bằng cách đưa tin về các vụ việc vi phạm an ninh mạng và nhấn mạnh tác động của chúng, tạo động lực cho các quyết định gia tăng hợp tác quốc tế và thực hiện các biện pháp bảo vệ an ninh mạng toàn cầu.

- Hỗ trợ đào tạo và giáo dục: Để nâng cao nhận thức về an ninh mạng, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tạo ra các chương trình đào tạo và giáo dục. Đây có thể là các khóa học trực tuyến; các buổi tọa đàm với sự tham gia của nhiều khách mời là nhà khoa học, quản lý, chuyên gia bảo mật; chương trình phát thanh hoặc phim tài liệu về an ninh, an toàn thông tin mạng.

- Tạo sự nhất quán và đồng thuận: Thông qua truyền thông, việc tạo ra một môi trường thông tin mở, minh bạch và nhất quán sẽ giúp đảm bảo rằng công chúng nhận được thông tin chính xác và đáng tin cậy, từ đó khuyến khích họ tham gia, đóng góp tích cực vào việc xây dựng và bảo vệ không gian mạng. Hơn nữa, truyền thông có vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự đồng thuận và ủng hộ cho việc thực hiện biện pháp và chính sách an ninh mạng. Ví dụ, khi truyền thông thông báo về việc một tổ chức đã thành công trong việc ngăn chặn một cuộc tấn công mạng hoặc phục hồi từ một sự cố an ninh mạng, điều này sẽ truyền đạt thông điệp rằng việc bảo vệ an ninh, an toàn thông tin mạng là khả thi và có giá trị.

- Góp phần xây dựng nhận thức và hành động cá nhân: Truyền thông không chỉ cung cấp thông tin, mà còn giúp người dân nhận thức rõ về trách nhiệm cá nhân trong việc bảo vệ an ninh, an toàn thông tin. Thông qua việc cung cấp những tin bài, hình ảnh, video, podcast, phóng sự,… về các sự cố tấn công mạng và hậu quả chúng gây ra, truyền thông sẽ giúp người dùng cá nhân nhận thức rõ hơn về các mối đe dọa và hành động để bảo vệ mình trên không gian mạng. Từ đó người dân có thể triển khai các giải pháp phù hợp để bảo vệ dữ liệu, tài khoản trực tuyến như cài đặt phần mềm bảo mật, sử dụng mật khẩu mạnh, xác thực đa yếu tố,…