Truyền thông hỗ trợ các hoạt động của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam

14:15 | 16/03/2016

Để giải quyết các yêu cầu thực tiễn về đảm bảo ATTT, ngay từ khi mới được thành lập và đi vào hoạt động trong năm 2006, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Tạp chí An toàn thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đã có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ATTT.


Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại buổi diễn tập quốc tế  Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp (năm 2015)

Trong 10 năm qua, tình hình an toàn thông tin (ATTT) mạng của Việt Nam luôn có những thay đổi và ngày càng đặt ra nhiều thách thức đối với công tác đảm bảo ATTT. Trước đây quan niệm ATTT chỉ liên quan đến các phần mềm virus phá hoại do tin tặc gây ra mang tính tự phát, thì đến năm 2006 các vi phạm, tấn công gây mất ATTT tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu chuyên nghiệp, có tổ chức. Đối tượng bị tấn công bao gồm các hệ thống thông tin của các doanh nghiệp và một số cơ quan nhà nước. Một số mã độc có nguồn gốc tại Việt Nam đã bị phát tán rộng rãi gây thiệt hại không nhỏ cho các tổ chức. Tấn công mạng, phát tán mã độc trục lợi là xu hướng chung của cả thế giới và đây cũng là thách thức tất yếu khi nước ta ứng dụng công nghệ thông tin và mạng Internet để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, hiện đại hóa phương thức sản xuất, kinh doanh... theo xu hướng hội nhập quốc tế. Nhằm giải quyết các yêu cầu thực tiễn về đảm bảo ATTT, tăng cường công tác ứng dụng công nghệ thông tin, nhiều nhiệm vụ lớn được đặt ra đối với cơ quan quản lý chuyên ngành, bao gồm: Rà soát hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; Nâng cao năng lực kỹ thuật, công tác bảo vệ, điều phối ứng cứu sự cố an toàn mạng; Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về ATTT. Thực hiện nhiệm vụ đó, ngay từ khi mới được thành lập và đi vào hoạt động trong năm 2006, Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông và Tạp chí An toàn thông tin thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ đã có sự phối hợp chặt chẽ để triển khai nhiều hoạt động đảm bảo ATTT. Trong đó phải kể đến các hoạt động như:

- Tạp chí An toàn thông tin đã đăng tải và phổ biến kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật nhằm tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong công tác đảm bảo ATTT.

- Tạp chí An toàn thông tin đã phối hợp với Trung tâm VNCERT tham gia nghiên cứu đóng góp các ý kiến quan trọng cho việc xây dựng và hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật. Đặc biệt tham gia góp ý cho Luật ATTT mạng từ quá trình xây dựng dự thảo.

- Tuyên truyền cho các sự kiện quốc gia về ATTT như: Ngày An toàn thông tin hàng năm (do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam tổ chức); Security World 2015; Một số hội thảo về đảm bảo ATTT trong Chính phủ điện tử và nhiều sự kiện quan trọng khác trong lĩnh vực này.

- Các cảnh báo kỹ thuật quan trọng về ATTT đã được đăng tải, phổ biến kịp thời và chính xác trên Tạp chí An toàn thông tin, góp phần giúp các cơ quan, tổ chức chủ động kiểm tra, phòng ngừa sự cố có thể xảy ra.

- Tạp chí An toàn thông tin là đầu mối cung cấp cho Trung tâm VNCERT các thông tin và tài liệu tham khảo chuyên sâu về công tác đảm bảo ATTT.


Lễ ký kết gia hạn Biên bản ghi nhớ giữa VNCERT và KISA (Hàn Quốc) năm 2015

Trong 10 năm qua, Tạp chí An toàn thông tin đã cung cấp lượng thông tin khá lớn tới độc giả, đặc biệt là tới các chuyên gia đầu ngành, cán bộ chuyên trách ATTT tại hầu hết các cơ quan nhà nước. Điều đó đã khẳng định vai trò quan trọng, tin cậy của Tạp chí cho hoạt động phổ biến các chủ trương, chính sách, cảnh báo và các hướng dẫn áp dụng công tác đảm bảo ATTT trong các cơ quan nhà nước.

Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra trong công tác đảm bảo ATTT hiện nay là đáp ứng nhu cầu của xã hội về dịch vụ ATTT còn hạn chế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước còn thấp.... Các tổ chức, doanh nghiệp và người tiêu dùng rất cần những thông tin về thị trường sản phẩm và dịch vụ trong lĩnh vực ATTT. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cần sự vào cuộc tích cực của các cơ quan truyền thông, báo chí nói chung cũng như Tạp chí An toàn thông tin nói riêng trong thời gian tới. Sự góp phần của các cơ quan truyền thông sẽ giúp cho doanh nghiệp đưa sản phẩm, dịch vụ tiếp cận khách hàng, tạo điều kiện phát triển cho các doanh nghiệp trong nước và hướng tới hình thành các doanh nghiệp có năng lực đội ngũ chuyên gia về ATTT của Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời đại.

Chặng đường mười năm hình thành và phát triển không dài nhưng Tạp chí An toàn thông tin đã thể hiện rõ vai trò là Tạp chí chuyên ngành uy tín hàng đầu, địa chỉ tin cậy của người đọc về lĩnh vực bảo mật và ATTT.