Ứng dụng Chữ ký số trong ngành Tài chính

10:08 | 26/07/2013

Hệ thống Chứng thực điện tử (gồm Chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ và hệ thống Chứng thực chữ ký số công cộng) đã được đưa vào hoạt động phục vụ các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Chứng khoán và phục vụ quản lý công sản, công tác thanh tra.

Hệ thống chứng thực điện tử (CTĐT) ứng dụng chữ ký số trong ngành Tài chính được thiết lập khá sớm so với các Bộ, ngành khác. Hệ thống này tạo nền tảng để ngành Tài chính triển khai các dịch vụ công trực tuyến, bao gồm hai hệ thống tách biệt là Hệ thống chứng thực công cộng (sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số công cộng) và Hệ thống chứng thực nội bộ (sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp). Các hệ thống CTĐT này đã được đưa vào hoạt động phục vụ các dịch vụ hành chính công điện tử của ngành Tài chính như Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Chứng khoán và phục vụ quản lý công sản, báo cáo thanh tra.

Ứng dụng CTĐT trong lĩnh vực Kho bạc

Kho bạc nhà nước là đơn vị đi tiên phong trong ngành Tài chính ứng dụng thành công chữ ký số (CKS). Từ năm 2006, trong hệ thống thanh toán liên kho bạc ngoại tỉnh đã sử dụng chứng thư số của Microsoft, lưu trữ khóa bí mật và thao tác mật mã bằng thẻ thông minh (PKI SmartCard) dùng cho cả định danh, xác thực và mã hóa dữ liệu điện tử. 

CKS đã góp phần nâng cao mức độ an toàn, bảo mật trong các hoạt động giao dịch của Kho bạc nhà nước và từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi thành viên tham gia quy trình giao dịch điện tử. 

Việc triển khai CKS chuyên dùng cho hoạt động nội tại trong Kho bạc Nhà nước được triển khai bước đầu và còn gặp một số khó khăn liên quan tới quy trình thủ tục.

Hiện nay, Kho bạc nhà nước tiếp tục ứng dụng CTĐT rộng rãi hơn trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Trong các hoạt động nội tại của Kho bạc nhà nước, các dịch vụ CTĐT chuyên dùng được sử dụng với các CTS do hoạt động CTĐT chuyên dùng cung cấp ngày càng gia tăng và đây có thể coi là bước tiến lớn, nhất là trong thời điểm khó khăn như năm 2012.

Ứng dụng CTĐT trong lĩnh vực Thuế

Từ năm 2009 ngành Thuế đã tiến hành thí điểm khai thuế điện tử và đến năm 2010 đi vào hoạt động chính thức với dịch vụ khai thuế T - VAN. Hệ thống khai thuế này được tích hợp với các hệ thống chứng thực CKS công cộng và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người nộp thuế lựa chọn CTS để khai thuế điện tử.

Đến nay, ngành Thuế đã mở rộng triển khai hệ thống kê khai thuế điện tử cho 50 tỉnh, thành phố và đã có hơn 179.000 doanh nghiệp đăng ký khai thuế điện tử, tổng số doanh nghiệp thực hiện khai thuế điện tử là hơn 170 doanh nghiệp với tổng số tờ khai điện tử đã tiếp nhận và xử lý tới gần 4 triệu tờ khai. Hiện nay, ngành Thuế đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai mở rộng hệ thống kê khai điện tử và phấn đấu đến năm 2015 triển khai dịch vụ kê khai thuế điện tử cho 80% doanh nghiệp.

Tuy vậy, ngành thuế cũng mới đảm bảo cho 58% các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ CKS phục vụ khai thuế qua mạng.

Đối với việc ứng dụng CTS chuyên dùng trong các giao dịch điều hành tác nghiệp và dịch vụ công nội tại của ngành thuế, phạm vi sử dụng CTS còn khiêm tốn. Nhưng cũng đang có chiều hướng gia tăng.

Ứng dụng CTĐT trong lĩnh vực Hải quan

Ngành Hải quan cũng có những bước chuyển biến mạnh mẽ về điện tử hóa hoạt động tác nghiệp và cung cấp dịch vụ công. Thủ tục khai hải quan điện tử đã được tiến hành qua hai giai đoạn. Giai đoạn I (9/2005 - 11/2009) là giai đoạn thí điểm ở quy mô hẹp và giai đoạn II (12/2009 - 12/2012) thí điểm mở rộng. Địa bàn thí điểm mở rộng bao gồm: Cục Hải quan tỉnh, thành phố gồm: Cục Hải quan TP. Hải Phòng, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu, Quảng Ngãi và một số tỉnh, thành phố khác; Đối tượng áp dụng khai hải quan điện tử là các tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa. Đã áp dụng thí điểm thủ tục hải quan điện tử cho 3 loại hình xuất nhập khẩu chính (hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo hợp đồng mua bán, gia công, sản xuất hàng xuất khẩu) và 6 loại hình khác (chế xuất ưu tiên, tạm nhập tái xuất, XNK dự án đầu tư, XNK tại chỗ, XNK trả lại, chuyển cửa khẩu).

Nội dung điện tử hóa bao gồm:

+ Thứ nhất, khai báo, tiếp nhận và phản hồi thông tin qua phương tiện điện tử 24 giờ trong ngày và 7 ngày trong tuần.

+ Thứ hai, hồ sơ hải quan dựa trên chứng từ điện tử: tờ khai hải quan được điện tử hóa và có giá trị như tờ khai giấy, các chứng từ khác điện tử hóa thông qua hình thức chuyển đổi chứng từ giấy sang thông tin điện tử và khai tới cơ quan hải quan (theo quy định của Luật giao dịch điện tử).

+ Thứ ba, xử lý thông tin khai hải quan tự động: kiểm tra tính hợp lệ, hợp chuẩn thông tin khai báo; cảnh báo chính sách đối với mặt hàng kiểm tra, đối chiếu giữa thông tin khai trên tờ khai hải quan điện tử với các chứng từ của bộ hồ sơ hải quan đã được điện tử hóa để kiểm tra, đối chiếu thông tin khai với các yêu cầu của từng chế độ quản lý hải quan.

Cũng giống như ngành Thuế, ngành Hải quan đã có những bước thử nghiệm thành công thủ tục hải quan điện tử. Vấn đề tiếp theo là chính thức triển khai thủ tục này và các dịch vụ CTĐT đi kèm. Do tính chất thông thường của các nền kinh tế trên thế giới nên vấn đề liên tác quốc tế của dịch vụ CTĐT ngày càng cấp thiết.

Trong nội bộ ngành hải quan cũng ứng dụng dịch vụ CTĐT chuyên dùng nhưng còn chưa nhiều và cần phát triển mạnh trong các năm tiếp theo. 

Ứng dụng CTĐT trong lĩnh vực Chứng khoán

Hiện nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam đảm nhiệm cung cấp dịch vụ CTĐT công cộng cho các giao dịch chứng khoán. 

Hoạt động chứng khoán điện tử đã được áp dụng thực tế và sử dụng dịch vụ CTĐT công cộng để đảm bảo an toàn. Đối với nội tại ngành chứng khoán, đã phát sinh nhu cầu sử dụng CTS chuyên dùng, tuy vậy con số này chưa nhiều và chưa tương xứng với yêu cầu về an toàn thông tin của loại thị trường rất nhạy cảm này trong hiện tại và những năm tiếp theo.

Ứng dụng dịch vụ CTĐT chuyên dùng trong lĩnh vực thanh tra tài chính được triển khai từ năm 2010. Ứng dụng dịch vụ CTĐT triển khai trong lĩnh vực quản lý tài sản công được bắt đầu từ tháng 1/2011. Sau 3 năm thực hiện đã có gần 200 chứng chỉ số chuyên dùng được cấp phát­­. Việc ứng dụng CTĐT phục vụ các dịch vụ hành chính công điện tử được ngành Tài chính đầu tư xây dựng khá sớm, tuy nhiên, đây mới là các giai đoạn mở đầu và ứng dụng dịch vụ CTĐT còn hạn chế và chủ yếu là ứng dụng dịch vụ CTĐT công cộng. Quá trình triển khai ứng dụng dịch vụ CTĐT chuyên dùng vẫn còn khá mới.

Việc triển khai dịch vụ CTĐT gặp những khó khăn do hoạt động tài chính thường liên quan đến nhiều đối tượng và còn giao tiếp quốc tế. Thực tế này liên quan đến sự liên tác giữa các hạ tầng CTĐT công cộng, chuyên dùng và nước ngoài. Đây vốn là một trở ngại lớn của các mô hình CTĐT đang triển khai tại Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, việc thao tác ứng dụng CKS chưa thuận tiện và quen thuộc như các loại ứng dụng CNTT khác, nhất là đối với các thuê bao là các cán bộ lãnh đạo, quản lý.

Tuy nhiên, với những lợi ích do việc điện tử hóa mang lại và khi các quy định pháp lý quy định rằng CKS thực sự có giá trị đầy đủ như chữ ký và con dấu truyền thống, thì việc ứng dụng dịch vụ CTĐT sẽ có những bước tiến mới, cả về số lượng CTS và chất lượng của dịch vụ CTĐT. Lợi ích của việc điện tử hóa và ứng dụng dịch vụ CTĐT mang lại sẽ là tạo điều kiện để ngành Tài chính tiến nhanh trong quá trình hiện đại hóa.

Đối với hoạt động CTĐT chuyên dùng, cùng với sự nỗ lực và hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và Ban Cơ yếu Chính phủ, chắc chắn hoạt động CTĐT chuyên dùng sẽ phát huy được vai trò của mình trong việc hỗ trợ các hoạt động quản lý, điều hành, tác nghiệp và cung cấp dịch vụ hành chính công.