Hầu hết, tội phạm mạng sử dụng các ứng dụng để xâm nhập vào thiết bị di động. Các nhà nghiên cứu của Pradeo Labs cho biết, điều này thể hiện qua tỉ lệ 79% các cuộc tấn công nhắm vào thiết bị di động trong năm 2019 và 76% trong đầu năm 2020.
Số liệu này được lấy từ báo cáo "Bối cảnh mối đe dọa thiết bị di động trong doanh nghiệp" năm 2020. Trong đó, chỉ ra 10% trong số 50.000 thiết bị Android chứa mã độc khai thác lỗ hổng zero-day và 3.890 thiết bị chứa mã độc đã biết. Trong khi đó, trong số 50.000 thiết bị iOS, chỉ có 55 thiết bị có chứa mã độc khai thác lỗ hổng zero-day. Các nhà nghiên cứu cảnh báo người dùng về "các ứng dụng gây rò rỉ và xâm nhập" và nhấn mạnh rằng, các ứng dụng di động có thể thực hiện các hành vi không mong muốn do chúng lưu trữ các thư viện bên ngoài (79% ứng dụng di động nhúng thư viện bên thứ ba).
“Các thiết bị Android thường trích xuất nhiều dữ liệu hơn thiết bị iOS. Tuy nhiên, cả hai loại thiết bị đều xử lý các dữ liệu được cấp quyền truy cập một cách quá mức”, các nhà nghiên cứu cho biết trong báo cáo. Vì vậy, hai hệ điều hành này đều có thể gây rò rỉ dữ liệu người dùng, danh bạ, dữ liệu vị trí, dữ liệu âm thanh, video.
Theo các nhà nghiên cứu, các cuộc tấn công qua mạng đã tăng 4% trong năm qua. Xu hướng này được thúc đẩy bởi sự gia tăng liên tục của các cuộc tấn công man-in-the-middle trên khắp Bắc Mỹ và Châu Á. Năm 2019, 15.605 thiết bị được kết nối với các điểm truy cập Wifi không an toàn, Hiện nay, đã có tới 19.750 thiết bị như vậy. Tại khu vực Bắc Mỹ và Châu Á, tỷ lệ thiết bị phải đối mặt với tấn công man-in-the-middle lần lượt à 4% và 9,28%.
Bên cạnh đó, các cuộc tấn công nhắm vào hệ điều hành của thiết bị di động đã giảm nhẹ, chiếm 8% các cuộc tấn công. Ngoài ra, có 54% thiết bị Android vẫn sử dụng hệ điều hành cũ, còn iOS là 23%.