Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội họp thẩm tra dự án Luật An toàn thông tin

09:44 | 20/05/2015

Trong hai ngày 14 và 15/5/2015, tại TP. Đà Nẵng, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội ( Ủy ban KH,CN&MT) đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 10 để chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội. Trong đó, nội dung của phiên họp buổi sáng 14/5 là thẩm tra dự án Luật An toàn thông tin (Luật ATTT), dưới sự chủ trì của Đ/c Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT.




Tham dự phiên họp có các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thuộc Ủy ban KH,CN&MT. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, đại diện cho Ban soạn thảo Luật An toàn thông tin. Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ.

Sau phát biểu khai mạc của đồng chí Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng thay mặt Ban soạn thảo trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật ATTT, trong đó phân tích về sự cần thiết ban hành Luật, quan điểm chỉ đạo và mục đích xây dựng Luật, nội dung cơ bản của dự thảo Luật và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Dự thảo Báo cáo thẩm tra Luật ATTT do Thường trực Ủy ban KH,CN&MT chuẩn bị được đồng chí Lê Hồng Tịnh, Ủy viên thường trực Ủy ban KH,CN&MT trình bày. 

Theo đó, Ủy ban KH,CN&MT nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật ATTT. Việc ban hành Luật sẽ góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý về ATTT, tạo điều kiện phát triển ổn định, bình đẳng cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, góp phần tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTT. Bên cạnh đó, một số nội dung cần tiếp tục cho ý kiến bao gồm: 

Về tên gọi và phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật: Theo Tờ trình của Chính phủ và phần lớn nội dung của dự thảo Luật chỉ tập trung quy định về bảo đảm ATTT trên mạng (bao gồm mạng viễn thông, internet và mạng máy tính). Dự thảo Luật không điều chỉnh về nội dung thông tin mà chỉ tập trung về các vấn đề kỹ thuật nhằm bảo đảm quá trình truyền tải thông tin không bị sửa đổi, tiết lộ, gián đoạn, nội dung thông tin được bảo đảm nguyên vẹn. Do đó, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị đổi tên gọi của dự thảo Luật thành Luật an toàn thông tin mạng để bảo đảm thống nhất với phạm vi điều chỉnh của Luật. 

Về chủ quyền quốc gia về không gian mạng: Ý kiến của Ủy ban là vì chưa có quốc gia nào thực hiện tuyên bố chủ quyền trên không gian mạng nên sẽ không quy định chủ quyền quốc gia về không gian mạng. Hơn nữa, để thực hiện nhiệm vụ trên, dự thảo đã có các quy định về ngăn chặn xung đột thông tin trên mạng tại Mục 3, Chương II. 

Về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng: Cần quy định có tính khả thi hơn về bảo vệ thông tin cá nhân trên cơ sở Bộ luật dân sự (sửa đổi), kinh nghiệm của một số quốc gia trong việc xây dựng luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân và xem xét việc đưa chương này thành một mục của Chương II.

Về quản lý mật mã dân sự, điều kiện cấp giấy phép sản xuất mật mã dân sự: Ủy ban KH,CN&MT tán thành với sự cần thiết quản lý mật mã dân sự như đã nêu trong Tờ trình và được thể hiện trong dự thảo Luật. Mật mã nói chung và mật mã dân sự (MMDS) nói riêng là sản phẩm có thể sử dụng cho cả mục đích thương mại và quân sự. Nếu dịch vụ mật mã không được quản lý chặt chẽ thì có thể gây phương hại đến an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, nội dung Chương IV “Mật mã dân sự” cũng chưa bao trùm hết các nội dung về quản lý MMDS như kiểm định, đánh giá hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm, quản lý xuất nhập khẩu sản phẩm MMDS.... Đề nghị quy định cụ thể, chi tiết hơn về vấn đề này trong dự thảo Luật trên cơ sở các quy định đã được kiểm nghiệm thực tế tại Nghị định 73/NĐ-CP/2007 ngày 08/5/2007 của Chính phủ, nhằm tạo cơ sở pháp lý cao hơn và ổn định hơn cho hoạt động quản lý, sử dụng MMDS.

Dự thảo Luật sử dụng đồng thời các tên gọi “Ban Cơ yếu Chính phủ” và “Cơ quan mật mã quốc gia”. Tuy nhiên, theo khoản 3 Điều 6 Luật Cơ yếu thì Ban Cơ yếu Chính phủ chính là Cơ quan mật mã quốc gia. Do đó, đề nghị chỉ sử dụng một trong hai khái niệm nêu trên cho thống nhất. Hơn nữa, Ban Cơ yếu Chính phủ là cơ quan thuộc sự quản lý trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, do đó, nhiệm vụ, chức năng, quyền hạn của cơ quan này là tách biệt với hoạt động của Bộ Quốc phòng. Vì vậy, cần cân nhắc việc gộp chung trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ trong nội dung quy định về trách nhiệm của Bộ Quốc phòng tại khoản 3 Điều 54 dự thảo Luật.

Ngoài ra, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban cũng cho ý kiến về vấn đề kinh doanh an toàn thông tin; Trách nhiệm thẩm định về ATTT; Phát triển nguồn nhân lực ATTT; Trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTT,... 

Tại Phiên họp, đã có 11 ý kiến đóng góp cho dự thảo Luật. Các ý kiến đều cơ bản nhất trí với dự thảo Báo cáo thẩm tra của Thường trực Ủy ban và thống nhất đây là một luật chuyên ngành, phức tạp, cần được cân nhắc kỹ lưỡng, nghiên cứu thấu đáo. Các ĐBQH đóng góp nhiều nội dung liên quan tới tên gọi, phạm vi điều chỉnh của Luật, về quản lý mật mã dân sự, đào tạo ATTT, quan hệ quốc tế, chính sách ưu tiên để nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các sản phẩm ATTT trong nước…. Các ý kiến còn đề cập đến quy định bổ sung các hành vi bị cấm và chế tài xử lý vi phạm.



Ý kiến của Ban Cơ yếu Chính phủ do đồng chí Nguyễn Đăng Đào, Phó Trưởng ban phát biểu làm rõ, chỉnh lý một số nội dung về quản lý MMDS liên quan tới chức năng, nhiệm vụ của Ban Cơ yếu Chính phủ cho phù hợp với Luật Cơ yếu và các văn bản pháp luật hiện hành: về thống nhất tên gọi của Ban Cơ yếu Chính phủ trong dự thảo Luật; Về tách riêng nội dung quy định trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quản lý nhà nước về MMDS với quy đinh trách nhiệm của Bộ Quốc phòng; Phân định tách bạch trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về ATTT của Bộ TT&TT và thực hiện quản lý nhà nước về MMDS của Ban Cơ yếu Chính phủ....

Thay mặt Ban soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu tham gia tại phiên họp. Đồng chí khẳng định: các ĐBQH đã thể hiện tinh thần làm việc với trách nhiệm cao, có nhiều ý kiến đóng góp xác đáng cho dự thảo Luật. Ý kiến của ĐBQH sẽ được báo cáo kịp thời để Trưởng ban Soạn thảo trình Thủ tướng Chính phủ.

Kết luận Phiên họp, đ/c Phan Xuân Dũng nhấn mạnh: Sau một buổi làm việc với trách nhiệm và hiệu quả cao, các ý kiến của ĐBQH sẽ được chọn lọc, tiếp thu. Đồng chí cũng cho rằng đây là một luật chuyên sâu, nhưng rất quan trọng và an toàn thông tin là vấn đề hết sức quan trọng trong cuộc sống hiện nay, cần được nghiên cứu thấu đáo các khía cạnh để có khả năng bảo vệ cho thông tin của cá nhân, tổ chức. Sau phiên họp này, Ủy ban KH,CN&MT sẽ có bản dự kiến tiếp thu ban đầu để trình ra kỳ họp của Quốc hội.