Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật An toàn thông tin

16:59 | 06/04/2015

Sáng 6/4, Dưới dự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, UBTVQH cho ý kiến lần đầuvề dự thảo Luật An toàn thông tin.

Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Luật An toàn thông tin cho thấy, thực tiễn thời gian qua, hành lang pháp lý về an toàn thông tin còn thiếu, không đồng bộ và chưa theo kịp với hiện trạng phát triển của xã hội cũng như hội nhập quốc tế. Mặt khác, để triển khai thi hành Hiến Pháp 2013, Chính phủ thấy rằng các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan đến công tác bảo đảm an toàn thông tin còn có những vấn đề bất cập: thiếu các quy định về phân loại cấp độ an toàn thông tin của hệ thống thông tin, quy định quản lý sản phẩm an toàn thông tin cũng như quản lý dịch vụ an toàn thông tin… Hơn nữa, Việt Nam chưa có một văn bản ở tầm luật để điều chỉnh toàn diện hoạt động an toàn thông tin trên mạng bảo đảm một môi trường mạng an toàn phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Do đó, việc xây dựng Luật An toàn thông tin nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý ổn định về an toàn thông tin theo hướng áp dụng các quy định pháp luật một cách đồng bộ, khả thi trong thực tiễn thi hành; phát huy các nguồn lực của đất nước để bảo đảm an toàn thông tin, phát triển lĩnh vực an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh. 

Góp ý cho dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, về sự cần thiết phải ban hành Luật, theo tài liệu kèm theo về kinh nghiệm các nước, nhất là các nước Đông Nam Á ban hành các luật về vấn đề an toàn thông tin có khác nhau. Việt Nam hiện có 3 luật là Luật Viễn thông, Luật Giao dịch điện tử và Luật Công nghệ thông tin. Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu đề nghị cần cân nhắc, quá trình hội nhập và hợp tác quốc tế tạo điều kiện hỗ trợ để xây dựng dự án Luật này. 

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Kim Khoa đặt vấn đề, theo tờ trình của Chính phủ, một trong những mục đích ban hành Luật An toàn thông tin là để bảo đảm an ninh quốc gia. Vậy mục đích xây dựng luật có làm an ninh thông tin hay không? Nội dung dự thảo luật cũng đã có nội hàm liên quan đến an ninh thông tin. Vừa rồi, Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới (IPU- 132) đã thảo luận và có Nghị quyết về chiến tranh mạng. Quốc tế cũng chưa đưa ra định nghĩa chung về chiến tranh mạng, song nội hàm của Nghị quyết này đề cập đến vấn đề an ninh thông tin. Vậy trong Luật An toàn thông tin có điều chỉnh, cập nhật theo tinh thần của IPU-132 vừa rồi hay không?

Cho rằng đây là dự án luật khó nhưng phải làm, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước nêu quan điểm, cần phải làm rõ khái niệm, nội hàm của an toàn, an ninh thông tin. Trong dự thảo Luật đề cập đến việc cấm các cơ quan cản trở trái pháp luật, vậy cản trở đúng pháp luật là cản trở như thế nào? Cơ quan, tổ chức nào có quyền cản trở và khi nào thì cản trở? Dự thảo Luật chưa đề cập đến vấn đề ai có quyền tự vệ khi bị tấn công? Về các hành vi bị cấm, Chủ tịch K’sor Phước đề nghị cần phải làm rõ thêm, ngăn chặn trái pháp luật và ngăn chặn đúng pháp luật là ngăn chặn như thế nào. Về quy định hợp tác quốc tế về an toàn thông tin, các quy định này trong dự thảo Luật là chưa đủ. Đề nghị mở rộng quy định chống các hành vi phạm tội, xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam và các nước mà Việt Nam có cam kết. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, vấn đề an toàn thông tin rất rộng về phạm vi với các thông tin được thể hiện trên mạng Internet, di động, vô tuyến điện... Trong đó có các nội dung thông tin gắn liền với cuộc sống thực tiễn của người dân và với công việc cụ thể cũng như vấn đề thông tin cá nhân. Do vậy vấn đề quan trọng nhất của dự án luật này là vấn đề liên quan đến việc điều chỉnh an ninh mạng.

Cùng đánh giá cao sự chuẩn bị của Ban soạn thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, dự thảo cần được thu gọn lại cho phù hợp hơn. Cần đánh giá mức độ mất an toàn thông tin ở 3 cấp độ là: Vi phạm, đánh cắp thông tin trên mạng; xung đột thông tin; cấp độ chiến tranh mạng.

Từ thực tiễn đặt ra rất bức xúc với những thông tin gây nhiễu loạn cuộc sống, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cũng đồng tình với việc cần thiết phải ban hành dự án luật này, đồng thời cũng đề nghị dự án luật nên gói gọi lại cho phù hợp với thông lệ quốc tế và tập trung vào lĩnh vực đảm bảo an ninh mạng.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son tại Phiên họp 37 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội 

Các ý kiến tại phiên họp cho rằng, một số nội dung Dự thảo Luật còn khá rộng, chưa có những quy định cụ thể, rõ ràng với thực tiễn, cần phải điều chỉnh, rà soát lại như: vấn đề về quản lý mật mã dân sự; trách nhiệm thẩm định về an toàn thông tin; chủ quyền quốc gia về không gian mạng… Các ý kiến đóng góp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần bám sát định hướng xây dựng dự thảo luật trên cơ sở tinh thần Điều 21 của Hiến pháp năm 2013 đã đề cập đến quyền được bảo đảm an toàn đối với thông tin.

Tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu, khoanh lại dự thảo Luật an toàn thông tin cho phù hợp hơn, khả thi hơn, đồng thời không để vướng với các dự án luật khác.

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị ban soạn thảo tiếp thu các ý kiến, sớm hoàn thiện dự án luật để có thể kịp thời trình ra Quốc hội tại phiên họp thứ 9 vào tháng 5/2015.