Để quý vị độc giả có thể hiểu rõ hơn về kết quả triển khai chữ ký số chuyên dùng trong thời gian qua và những tác động của công tác này tới công cuộc chuyển đổi số quốc gia, Tạp chí An toàn thông tin đã mời đến trường quay ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ và ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang để cùng tham dự buổi tọa đàm với chủ đề: “Vai trò chữ ký số chuyên dùng trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia”.
Tọa đàm trực tuyến “Vai trò chữ ký số chuyên dùng trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia”
Buổi Tọa đàm trực tuyến “Vai trò chữ ký số chuyên dùng trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia” được triển khai bằng hình thức đưa ra câu hỏi mà độc giả quan tâm đến các chuyên gia trả lời và đăng tải trên website antoanthongtin.vn.
Dưới đây là nội dung buổi Tọa đàm trực tuyến “Vai trò chữ ký số chuyên dùng trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia”.
Phóng viên: Hoà mình chung trong làn sóng chuyển đổi số quốc gia, Hà Giang là một trong những địa phương đang có những bước chuyển mình trong công tác xây dựng Chính quyền số. Thưa ông Đỗ Thái Hoà, ông có thể chia sẻ về câu chuyện thực tiễn của tỉnh Hà Giang hiện nay về công tác chuyển đổi số.
Ông Đỗ Thái Hoà: Hà Giang là một tỉnh vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn, nhất là về vấn đề chia cắt địa hình rộng lớn. Khi Trung ương triển khai các chương trình về chuyển đổi số cũng như nắm bắt được xu thế chung của thế giới về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Hà Giang xác định đây là cách để giải quyết bài toán khó khăn của tỉnh, đặc biệt giải quyết vấn đề địa giới hành chính bị chia cắt hình.
Tỉnh Hà Giang cũng xác định nhiệm vụ chuyển đổi số là nhiệm vụ cốt lõi để phát triển kinh tế số của tỉnh. Chính vì thế công tác chuyển đổi số đã được tỉnh quan tâm và đưa vào triển khai rộng khắp ngay từ đầu nhiệm kỳ. Tính đến thời điểm hiện tại, Hà Giang đã triển khai nghị quyết về chuyển đổi số tới toàn thể các cấp các ngành trong địa bàn tỉnh và nội dung về chuyển đổi số thể hiện được ở cả ba trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Phóng viên: Bàn luận sâu hơn về vấn đề ứng dụng chữ ký số chuyên dùng, thưa ông Hoà, ông đánh giá như thế nào về hiệu quả khi ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong công tác vận hành, điều hành trong thời kỳ chuyển đổi số của tỉnh Hà Giang. Đặc biệt trong thời gian qua, khi tình hình diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 gây ảnh hưởng trực tiếp đến mọi lĩnh vực trong cuộc sống.
Ông Đỗ Thái Hoà: Hà Giang nhận thức rất rõ nét và kiên định rằng: sử dụng chữ ký số nói chung và chữ ký số chuyên dùng Chính phủ nói riêng là một nội dung hết sức quan trọng trong vấn đề tạo lập cơ sở dữ liệu của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như của xã hội. Bởi khi nói đến câu chuyện chuyển đổi số thì bắt buộc phải có dữ liệu số, mà dữ liệu số có tin cậy hay không thì bắt buộc phải có chữ ký số. Khi sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã được Chính phủ chính thức khuyến nghị sử dụng và có tính pháp lý, thì những dữ liệu được ghi số đó là những dữ liệu có đủ tính pháp lý.
Do đó, tỉnh Hà Giang đã triển khai đồng bộ quyết liệt tới tất cả các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, bao gồm hệ thống chính trị. Tất cả các cán bộ thuộc hệ thống chính trị đều được cấp phát chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ theo hình thức cấp phát hỗ trợ miễn phí. Đặc biệt, trực tiếp là Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ đã có rất nhiều chương trình hỗ trợ tỉnh Hà Giang trong quá trình triển khai các ứng dụng và triển khai chữ ký số.
Ngoài chữ ký số sử dụng bằng usb etoken thì việc ký số qua sim điện thoại cũng là vấn đề được tỉnh quan tâm. Hà Giang đã xác định sớm vấn đề ký số trên thiết bị di động, do đó, chúng tôi là một trong những tỉnh triển khai đầu tiên trên cả nước.
Hiện nay, có thể khẳng định hiệu quả của chữ ký số không thể phủ nhận được. Mọi người đều nhận thức được đúng vai trò và giá trị của chữ ký số nên đã vào cuộc rất quyết liệt. Điều này được thể hiện rõ hơn đối với tỉnh Hà Giang, khi tỉnh có địa hình cực kỳ khó khăn trong việc đi lại, nhất là ở cơ sở xã, thôn, bản. Việc sử dụng chữ ký số đã giúp cắt giảm rất nhiều công sức và thời gian đi lại.
Trong quá trình thực hiện công tác cải cách hành chính, vấn đề giải quyết các thủ tục dịch vụ công trực tuyến nếu không dùng chữ ký số thì không thể thực hiện được, bởi vì đã là dịch vụ công trực tuyến thì phải là bản số và bản số thì phải được ký số thì mới có giá trị.
Hiệu quả của chữ ký số thể hiện toàn diện trên mọi hoạt động của các cơ quan hành chính và đặc biệt trong thời gian vừa qua, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ thì một trong những giải pháp Chính phủ đưa ra đó là giãn cách xã hội. Vấn đề đặt ra là giãn cách xã hội giải quyết công việc như thế nào? Việc ứng dụng chữ ký số đã giúp người dùng hoàn toàn có thể yên tâm làm việc trực tuyến tại nhà. Ngoài ra, còn tạo ra thói quen, văn hóa mới cho người dùng và nhận thức về việc chuyển đổi số. Đây là một hiệu quả rất rõ nét, thiết thực khi đưa chữ ký số áp dụng trong công việc.
Phóng viên: Vâng, xin cảm ơn ông Hòa. Thông qua trao đổi vừa rồi, chúng ta đã nắm được đôi nét về hiệu quả trong việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng ở địa phương. Thưa ông Lê Quang Tùng, ở vai trò thực hiện công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, ông có thể chia sẻ về những kết quả nổi bật đạt được trong thời gian qua?
Ông Lê Quang Tùng: Qua những chia sẻ của anh Hòa trong công tác triển khai chữ ký số của tỉnh Hà Giang, với vai trò là đơn vị cung cấp chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, chúng tôi rất vui mừng vì đã giúp được Hà Giang trong công tác chuyển đổi số.
Thời gian qua, Ban Cơ yếu Chính phủ đã triển khai thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước:
Thứ nhất, Triển khai xác thực, bảo mật thông tin cho hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và sản xuất Căn cước công dân có gắn chip điện tử. Đối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, việc chuyển nhận các dữ liệu đều phải đảm bảo tính an toàn, toàn vẹn, xác thực từ cấp phường, xã, thị trấn cho đến cấp huyện, tỉnh rồi lại từ cấp tỉnh đến trung ương. Nếu xảy ra sai sót sẽ gây ảnh hưởng đến toàn bộ dữ liệu của dân cư. Ban Cơ yếu Chính phủ đã góp phần trong việc đảm bảo xác thực toàn vẹn cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ (người ngồi bên phải)
Thứ hai, Triển khai chữ ký số cho Căn cước công dân có gắn chíp điện tử. Công tác này cũng gặp rất nhiều khó khăn vì đây là một công nghệ mới. Trên thế giới, chỉ những nước phát triển mới triển khai thẻ căn cước công dân gắn chíp. Chúng tôi cũng phải tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước, đội ngũ kỹ thuật cũng phải làm việc miệt mài ngày đêm để kịp tiến độ với Bộ Công an.
Tính đến thời điểm hiện tại, đã có hơn 70 triệu thẻ căn cước công dân điện tử có gắn chíp điện tử được cấp phát và triển khai cho người dân. Dữ liệu của người dân được lưu trữ trên thẻ căn cước đều được ký số để đảm bảo tính toàn vẹn, an toàn bảo mật. Khi người dân sử dụng để thanh toán ngân hàng, dịch vụ công trực tuyến hay các dịch vụ thanh toán điện tử đều có thể xác thực chữ ký số để chứng thực thẻ căn cước này có phải cho Bộ Công an cấp phát hay không và có đúng là công dân đó sở hữu thẻ căn cước này hay không. Việc này cũng góp phần quan trọng trong việc triển khai định danh điện tử của người dân.
Thứ ba, Triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ cho việc xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Ban Cơ yếu Chính phủ đã cấp phát hơn 600.000 chứng thư số phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước. Trong đó, đối với cơ quan cấp Bộ, ngành, địa phương đã cấp 100% chứng thư số cho tổ chức và cho lãnh đạo, cả trên máy tính và cả trên thiết bị di động; đối với cấp vụ, cục, sở và tương đương đã cấp khoảng 98 % chứng thư số cho tổ chức và chứng thư số cho lãnh đạo. Đối với cấp xã, phường, thị trấn khó khăn hơn do số lượng nhiều và phân tán, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã cấp hơn 90% chứng thư số cho tổ chức và khoảng 60% chứng thư số cho lãnh đạo. Hàng ngày, qua hệ thống giám sát tập trung, có hàng trăm nghìn chữ ký số được thực hiện.
Thứ tư, Triển khai tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ các cơ quan nhà nước xác thực định danh và ký số dữ liệu; Tích hợp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ vào Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ bảo mật và ký số văn bản điện tử. Đến nay, có tổng số hơn 12,8 triệu văn bản điện tử có chữ ký số được gửi và nhận giữa các cơ quan hành chính nhà nước trên Trục liên thông văn bản quốc gia.
Bên cạnh đó, việc tích hợp dịch vụ ký số trên thiết bị di động vào Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) cũng được triển khai hiệu quả. Đến nay, Hệ thống đã phục vụ hơn 50 hội nghị, phiên họp của Chính phủ và thực hiện xử lý hơn 1.200 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ (thay thế hơn 430.000 hồ sơ, tài liệu giấy). Song song là việc tích hợp dịch vụ ký số vào Hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia, Trung tâm thông tin chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Thứ năm, Thúc đẩy công tác chuyển đổi số, đặc biệt trong đại dịch COVID-19. Ban Cơ yếu Chính phủ đã nỗ lực triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ để phục vụ các cơ quan Bộ, ngành, địa phương làm việc từ xa, phòng chống dịch COVID 19. Ngoài ra, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã phối hợp với Bộ Y tế triển khai dịch vụ ký số để ký số phát hành Hộ chiếu vaccine, đến nay cả nước mới có khoảng 42 triệu người có hộ chiếu vaccine.
Phóng viên: Qua chia sẻ của hai ông, có thể thấy nhiều kết quả nổi bật trong công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Những số liệu gần đây được công bố đem lại một bức tranh tích cực như: Cán mốc 70 triệu Căn cước công dân gắn chíp điện tử đảm bảo an toàn, liên tục; Cấp 42 triệu hộ chiếu vaccine; Tiết kiệm hơn 6.300 tỷ đồng/năm từ cải cách thủ tục hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử… đây là những số liệu minh chứng cho hiệu quả của việc triển khai chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Có thể khẳng định: Chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đóng vai trò quan trọng, giúp hoàn thiện bức tranh chuyển đổi số trong chuyển đổi số quốc gia. Quan điểm của ông Hòa về vấn đề này như thế nào?
Ông Đỗ Thái Hoà: Với kết quả đã nêu ở trên cùng các số liệu được các cơ quan trung ương tổng hợp đánh giá, chúng ta có thể thấy ngoài những kết quả đánh giá định lượng được, hiệu quả mang tính chất vô hình có giá trị cao hơn rất nhiều, đó là về mặt lợi ích, thời gian và cơ hội.
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang
Ông Lê Quang Tùng: Với quan điểm của tôi, chuyển đổi số bắt buộc các cơ quan Đảng nhà nước phải đưa các hoạt động công vụ của mình lên môi trường mạng, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 phải giãn cách xã hội, các cơ quan nhà nước phải triển khai hệ thống thông tin và văn bản điện tử có ký số. Khi đó, các văn bản giấy tờ trước đây theo hình thức truyền thống với chữ ký, con dấu truyền thống đều phải được thay thế bằng văn bản điện tử và chữ ký số. Điều này được khẳng định tại các quy định của pháp luật, như Nghị định số 30/2020/NĐ-CP của Chính phủ về công tác văn thư quy định rõ văn bản điện tử tương đương với văn bản giấy, văn bản điện tử có chữ ký số tương đương với văn bản điện tử có con dấu và chữ ký tay. Đối với chiến lược về chuyển đổi số của Chính phủ đã được nêu rất rõ trong các quyết định như Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” cũng quy định tăng cường gửi, nhận văn bản điện tử, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp, người dân. Đối với quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng quyết định Phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đã có chỉ tiêu cụ thể là 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước phải được thực hiện dưới dạng điện tử và được ký số trừ văn bản mật.
Ban Cơ yếu Chính phủ được giao nhiệm vụ phát triển hệ thống chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đáp ứng yêu cầu liên quan đến chuyển đổi số. Mặt khác, các doanh nghiệp, người dân muốn giao dịch với các cơ quan nhà nước thì phải tự động chuyển đổi lên môi trường số như cơ quan nhà nước và phải sử dụng phương tiện điện tử, giấy tờ điện tử. Những giấy tờ của người dân, của doanh nghiệp đều phải được số hóa và xác thực, khi đó cần phải sử dụng những hệ thống xác thực như chữ ký số thì mới đảm bảo được tính toàn vẹn và tính chất pháp lý.
Các dịch vụ hiện đã và đang triển khai cho người dân có hiệu quả rõ ràng nhất phải kể đến như hoạt động khai thuế điện tử. Trước đây, thường vào gần cuối tháng, tại các cơ quan thuế tập trung rất đông, gây cản trở tắc nghẽn giao thông và thậm chí xuất hiện một số hoạt động tiêu cực. Khi Chính phủ triển khai khai thuế điện tử sử dụng chữ ký số, những hoạt động đó lập tức được thông thoáng, các cơ quan doanh nghiệp khai thuế nhanh hơn và đúng thời hạn, tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại. Một số hoạt động hiệu quả nữa có thể kể đến là bảo hiểm xã hội điện tử, thông quan điện tử, đấu thầu điện tử sử dụng chữ ký số. Nhìn chung, chữ ký số là một thành tố rất quan trọng trong việc chuyển đổi số và xây dựng chính phủ điện tử phát triển chính chủ số của nước ta.
Còn tiếp...