Tọa đàm trực tuyến "Vai trò chữ ký số chuyên dùng trong thời kỳ chuyển đổi số quốc gia"
Phóng viên: Có thể thấy rõ chữ ký số chuyên dùng chính phủ có vai trò rất quan trọng, là yếu tố then chốt góp phần xây dựng và phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia. Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn không ít những khó khăn khi triển khai chữ ký số chuyên dùng. Ông Hoà có thể chia sẻ vấn đề này tại địa phương của mình?
Ông Đỗ Thái Hoà: Như tôi đã chia sẻ, với điều kiện vị trí, địa lý đặc thù, đồng thời Hà Giang cũng là tỉnh nghèo có tỉ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm rất cao, điều kiện kinh tế xã hội của tỉnh còn thấp. Khi đưa các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội không riêng gì chương trình phát triển chữ ký số, Hà Giang luôn gặp phải nhiều khó khăn. Đối với vấn đề chữ ký số, đây được coi là một cuộc cách mạng văn hóa, đổi mới phương thức. Ngay tại thành phố Hà Giang - khu vực trung tâm của Tỉnh, nhiều người dùng vẫn còn tâm lý e ngại và chưa nhận thức đúng được tầm quan trọng của việc sử dụng chữ ký số. Mặc dù, Hà Giang đã triển khai rất sớm, từ những năm 2016 - 2017 với sự phối hợp và giúp đỡ của Ban Cơ yếu Chính phủ, nhưng một số ứng dụng vẫn chưa được ứng dụng rộng rãi, mới chỉ được sử dụng trong vấn đề văn bản nên chưa tạo sự lan tỏa. Quan trọng nhất là vấn đề nhận thức của người dân về chữ ký số còn hạn chế, chưa thực sự hiểu bản chất của chữ ký số. Một số cơ quan đơn vị tuy có đăng ký, nhưng thực tế chưa dùng đến vì chưa nhận thức rõ được hiệu quả chữ ký số đem lại. Cần phải có báo cáo hàng tháng và có hệ thống tự động theo dõi để thay đổi thực trạng này.
Một khó khăn nữa ở tỉnh Hà Giang phải nói đến đó là về kỹ năng thao tác, không chỉ riêng về chữ ký số mà còn cả các ứng dụng khác. Người dùng sử dụng máy tính đôi lúc vẫn còn lúng túng. Một số vấn đề về tích hợp kết nối giữa các hệ thống, công cụ của Ban Cơ yếu Chính phủ với các phần mềm khác, có phần mềm kết nối rất tốt như phần mềm quản lý văn bản, nhưng phần mềm quản lý của kho bạc thì thỉnh thoảng vẫn xảy ra trục trặc.
Về cơ bản, tỉnh Hà Giang được Ban Cơ yếu Chính phủ hỗ trợ giúp đỡ rất nhiều, giúp cho các công việc hành chính của Hà Giang được giải quyết một cách nhanh chóng, kịp thời.
Phóng viên: Qua chia sẻ của ông Hoà, chúng ta có thể nhìn thấy những khó khăn mà địa phương phải đối mặt trong công tác triển khai, quản lý, ứng dụng chữ ký số chuyên dùng. Mặt khác, còn những khó khăn như xu hướng công nghệ, tình hình mất an toàn thông tin, chiến tranh mạng ngày càng trở nên hiện hữu. Thưa ông Tùng, ông có thể chia sẻ về những khó khăn, thách thức phải đối mặt trong thời gian tới trong công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ?
Ông Lê Quang Tùng: Một số khó khăn phải kể đến như sau:
Thứ nhất, Về cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ. Thời gian gần đây (trong và sau đại dịch Covid) việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số tăng đột biến, dẫn đến nhu cầu đăng ký, cấp phát chữ ký số tăng cao. Mặt khác, sau đại hội đảng XIII, nhân sự thay đổi nhiều dẫn đến thay đổi thông tin chứng thư số nhiều, những vấn đề trên đã tác động đến hiệu quả việc cung cấp dịch vụ chữ ký số của Ban Cơ yếu Chính phủ, các thủ tục hành chính trong quản lý, cấp phát cũng chặt chẽ cũng ảnh hưởng đến thời gian cung cấp dịch vụ.
Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã cung cấp hệ thống dịch vụ trực tuyến, tuy nhiên số lượng hồ sơ đăng ký điện tử chưa nhiều, các cơ quan, tổ chức vẫn sử dụng văn bản giấy nhiều, dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng, thời gian cung cấp dịch vụ.
Ông Lê Quang Tùng, Phó Cục trưởng Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin, Ban Cơ yếu Chính phủ (người ngồi bên phải)
Thứ hai, Về việc sử dụng chữ ký số của các cơ quan Đảng, Nhà nước. Việc nhận thức và sử dụng văn bản điện tử có chữ ký số thay thế văn bản giấy và chữ ký trực tiếp của một số bộ phận cá nhân, tổ chức trong các cơ quan Đảng và nhà nước chưa cao, vẫn còn tồn tại thói quen sử dụng văn bản giấy, chữ ký trực tiếp. Cá biệt, có nơi văn bản điện tử có chữ ký số đến vẫn phải chờ văn bản giấy cho “chắc”. Nhận thức và tham gia của người đứng đầu các cơ quan tổ chức có chuyển biến, tuy nhiên cũng còn hạn chế, người đứng đầu nếu không tham gia quyết liệt vào công cuộc chuyển đổi số, cụ thể là xử lý văn bản điện tử và ký số thì việc chuyển đổi số không thể thành công.
Việc huấn luyện, đào tạo sử dụng hệ thống thông tin, văn bản điện tử, ký số vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, nhất là vùng sâu vùng xa, trình độ công nghệ thông tin còn thấp, dẫn đến việc sử dụng văn bản điện tử, chữ ký số chưa cao.
Một số cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng chữ ký số chưa hiệu quả, cấp nhưng không sử dụng, làm thất lạc thiết bị có thể gây mất an toàn trong sử dụng chữ ký số và lãng phí ngân sách.
Thứ ba, Về vấn đề an ninh, an toàn. Đây cũng là một vấn đề khó khăn và thách thức rất lớn. Đối với dịch vụ chữ ký số và các thiết bị phần cứng ký số như PKI Token, Sim PKI… là an toàn. Tuy nhiên, các cơ quan Đảng, Nhà nước thường triển khai hệ thống thông tin trên môi trường Internet tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro, gây lộ lọt, mất an toàn thông tin chỉ đạo, điều hành.
Hệ thống cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ cũng thường xuyên đối mặt tấn công mạng và phải được giám sát an toàn thông tin, trực chiến 24/7 để đảm bảo dịch vụ an toàn, kịp thời.
Phóng viên: Vâng, xin được cảm ơn những chia sẻ của ông Tùng! Việc nhận định, dự đoán trước những khó khăn là việc tất yếu, quan trọng trong quá trình phát triển. Trong thời gian tới, Hà Giang có kế hoạch gì trong việc ứng dụng hiệu quả chữ ký số chuyên dùng chính phủ trong công tác vận hành, điều hành của tỉnh. Xin chia sẻ từ ông Hoà?
Ông Đỗ Thái Hoà: Thực tế trong thời gian vừa qua, có những xã vùng sâu vùng xa ở Hà Giang đăng ký hơn 239 chữ ký số trong vòng 3 ngày. Đây là một sự cố gắng nỗ lực thể hiện rõ tinh thần số. Điều này có thể khẳng định vai trò, sự vào cuộc, sự thay đổi của nơi cung cấp dịch vụ, cụ thể là Ban Cơ yếu Chính phủ đã hỗ trợ cho địa phương phát triển rất tốt, thông qua dịch vụ công.
Ông Đỗ Thái Hòa, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Giang
Để phát huy hiệu quả của chữ ký số nhanh và thiết thực, trong hai năm vừa qua, Hà Giang đã xác định mục tiêu chuyển đổi số đầu tiên cần phải thay đổi nhận thức. Đưa chữ ký số vào trong các chỉ tiêu thi đua khen thưởng, đánh giá cải cách hành chính. Đây được coi là một phương thức để đánh giá làm thước đo. Ngoài ra, Hà Giang cũng dành nhiều thời lượng để tập huấn, hướng dẫn sử dụng chữ ký số. Hà Giang đã phối hợp rất nhiều lĩnh vực từ y tế, giáo dục…, vận động toàn bộ công chức, viên chức, giáo viên, cán bộ y tế sử dụng chữ ký số. Hiện tỉnh đang cố gắng triển khai triệt để trên tất cả các cơ quan đơn vị để tất cả các dịch vụ đều được chuyển lên trên môi trường điện tử và sử dụng chữ ký số để khẳng định tính pháp lý, chất lượng sản phẩm dịch vụ chữ ký số. Có như thế mới tạo ra được nền tảng để thực hiện công tác chuyển đổi số.
Đối với người dân hiện nay vẫn còn một số khó khăn vì chữ ký số dành cho người dân là chữ ký số công cộng. Tuy nhiên, theo Đề án 06 công tác này sẽ được tích hợp miễn phí, đây có lẽ là một thông tin rất phấn khởi đối với người dân vùng sâu vùng xa, được kỳ vọng là bước tiến đột phá trong tương lai và cũng là mong mỏi của chúng tôi.
Phóng viên: Một câu hỏi cuối trước khi kết thúc chương trình, ở vai trò thực hiện công tác cung cấp, quản lý và triển khai dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, ông Tùng có thể chia sẻ cho quý độc giả về một số định hướng phát triển trong thời gian tới của Cục Chứng thực số và bảo mật thông tin?
Ông Lê Quang Tùng: Liên quan đến định hướng thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ xác định việc hoàn thiện hành lang pháp lý chữ ký số là rất quan trọng. Ban Cơ yếu Chính phủ đã tích cực tham gia hoàn thiện hành lang pháp lý về chữ ký số, cụ thể là Luật Giao dịch điện tử sửa đổi, Luật Lưu trữ sửa đổi và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.
Về mặt công nghệ chữ ký số, trong thời gian tới, công nghệ thông tin, các công nghệ mới phát triển với tốc độ nhanh, việc ra đời của các máy tính lượng tử sẽ phá vỡ các thuật toán ký số dựa trên độ phức tạp tính toán. Ban Cơ yếu Chính phủ đã có chủ trương ứng phó với công nghệ lượng tử như nghiên cứu và đưa vào triển khai các thuật toán ký số, xác thực dựa trên mật mã hậu lượng tử, nghiên cứu về máy tính lượng tử và ứng dụng mật mã lượng tử.
Công nghệ chuỗi khối (Blockchain) hiện đang rất phát triển và ứng dụng trong một số lĩnh vực của đời sống xã hội, Ban Cơ yếu Chính phủ cũng đã có những nghiên cứu và triển khai cụ thể để bắt kịp xu hướng này như: tham gia nghiên cứu và triển khai tiền kỹ thuật số quốc gia, các đề tài nghiên cứu về ứng dụng Blockchain trong xác thực, định danh điện tử…
Đối với các ứng dụng chữ ký số, Ban Cơ yếu Chính phủ đẩy mạnh việc phối hợp với các cơ quan Đảng, Nhà nước để cung cấp kịp thời, đầy đủ dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ, phối hợp triển khai tích hợp chữ ký số và các hệ thống thông tin của các cơ quan, đơn vị phục vụ nhiệm vụ thành công chuyển đổi số; Phối hợp với Bộ Công an triển khai các nội dung xác thực chữ ký số trên thẻ Căn cước công dân điện tử phục vụ định danh, xác thực điện tử; Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng triển khai cấp phát và kiểm tra Hộ chiếu điện tử; Triển khai một số ứng dụng chữ ký số mới như thí điểm hệ thống ký số tập trung sử dụng thiết bị HSM phục vụ chuyển đổi số trong ngành giáo dục, y tế….
Phóng viên: Vâng xin cảm ơn những thông tin mà hai ông đã chia sẻ./.