Văn phòng Chính phủ sẽ đi tiên phong và quyết liệt xây dựng Chính phủ điện tử

10:10 | 11/09/2018

Khó khăn lớn nhất để xây dựng Chính phủ điện tử vẫn do tư tưởng, quyết tâm con người, đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ triển khai. Tuy nhiên, VPCP sẽ đi tiên phong và quyết liệt thực hiện theo đúng thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng đã dành cho báo chí cuộc trao đổi về vấn đề xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT), từ sự quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ đến các khó khăn và những bước đi của VPCP để hướng tới xây dựng Chính phủ phi giấy tờ.

Người đứng đầu quyết liệt thì mới chuyển động mạnh

PV: Thưa Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, vừa qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhắc nhiều đến mục tiêu xây dựng CPĐT tại Việt Nam, như vậy, có phải việc xây dựng CPĐT là nhu cầu tất yếu trong bối cảnh hiện nay?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Việc xây dựng CPĐT ở Việt Nam đã diễn ra gần 20 năm và đã có những thành tựu ban đầu, nhưng mục tiêu đạt được còn rất hạn chế. Những cốt lõi cần có trong xây dựng CPĐT thì chưa đạt được, cụ thể như: Thể chế pháp lý chưa hoàn thiện, nguồn nhân lực chất lượng cao còn yếu, hạ tầng thông tin có độ an toàn chưa cao.

Với quyết tâm của Thủ tướng là xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ cho người dân và doanh nghiệp thì việc cải cách là hết sức cần thiết. Theo đó, việc ứng dụng CNTT, công khai, minh bạch… hướng tới nền quản trị thông minh trên cơ sở chủ động xây dựng cơ chế, chính sách chính là sự mong đợi của mọi người dân, doanh nghiệp.

CPĐT chính là sự cụ thể hóa tinh thần này và cũng là xu thế tất yếu của thời đại.

PV: Như đánh giá kết quả thực hiện thời gian qua là chưa được như mong đợi. Vậy theo Bộ trưởng, những nguyên nhân, yếu tố nào tác động, cản trở việc thực hiện mục tiêu này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Như đã nói, chúng ta đã xây dựng CPĐT đã khá lâu nhưng kết quả rất hạn chế. Chúng ta chưa có Luật CPĐT hay chưa có quy định về vấn đề về chia sẻ dữ liệu thông tin, quy định về bảo mật thông tin cá nhân, vấn đề kết nối chia sẻ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các dịch vụ công trực tuyến với doanh nghiệp và người dân cũng mới có kết quả ban đầu.

Năm 2016, Chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam được Liên Hợp Quốc xếp hạng thứ 89/193 quốc gia, tăng 10 bậc so với năm 2014. Trong đó, chỉ số về dịch vụ công trực tuyến tăng 8 bậc, từ thứ hạng 82 lên thứ hạng 74/193 quốc gia. Còn năm 2018, theo Báo cáo về Đánh giá của Liên Hợp Quốc, chỉ số phát triển CPĐT của Việt Nam tăng 1 bậc (88/193). Trong đó, chỉ số thành phần dịch vụ công trực tuyến tăng 15 bậc so (59/193) với năm 2016.

Chỉ số này cho thấy sự cố gắng của chúng ta, nhưng kỳ vọng đạt được thì còn hạn chế.

Nhiều nội dung triển khai CPĐT chưa được như mong đợi, do một số nguyên nhân chính, thứ nhất có thể nói là hạn chế trong xây dựng thể chế, việc này chưa được quan tâm đúng mức. Như không có quy định, yêu cầu rõ ràng để bắt buộc thay đổi từ sử dụng giấy tờ truyền thống sang sử dụng văn bản điện tử. Rào cản thứ hai là còn tư tưởng "thu gom", "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của một số cơ quan không muốn chia sẻ thông tin.

Khó khăn nữa là chúng ta chưa hoàn thành nền tảng cơ sở dữ liệu quốc gia mà cái này rất quan trọng, nó là cái gốc của vấn đề khi xây dựng CPĐT.

Tôi cho rằng vấn đề này có vai trò của người đứng đầu các Bộ, ngành, địa phương. Ở đâu có người đứng đầu quyết liệt thì nơi đó sẽ có chuyển động rất mạnh.

PV: Vậy hiện nay điểm mấu chốt trong triển khai CPĐT là ở đâu và chúng ta khắc phục điều đó bằng cách nào?

Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Mấu chốt nhất vẫn là do tư tưởng con người. Đặc biệt là người đứng đầu và lực lượng cán bộ triển khai không muốn rời bỏ việc thủ công, trực tiếp giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, người dân.

Có thể thấy rào cản lớn nhất là rào cản tư duy về yêu cầu cần phải thay đổi cách làm cũ, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay.

Để làm được điều này trước hết phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia; phải có cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp, bảo hiểm, y tế.... Nếu chúng ta có một cơ sở dữ liệu nền tảng như vậy thì chúng ta sẽ quản lý, sàng lọc, chia sẻ để sử dụng, đánh giá, phân tích dữ liệu phục vụ cho nghiên cứu, xây dựng chiến lược, phục vụ cho các dịch vụ công trực tuyến... thì mới đáp ứng được việc phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thứ hai là vấn đề đào tạo nguồn lực. Chúng ta có nhiều doanh nghiệp CNTT, tuy nhiên, yêu cầu có cán bộ có trình độ cao lại rất thiếu. Khi chúng ta xây dựng Chính phủ điện tử, hay nói cách khác là nền kinh tế số và xã hội số thì khi đó chúng ta mới thấy nhu cầu cần cán bộ thực hiện việc này.

Thứ ba là ý thức của người dân, dịch vụ công trực tuyến liên quan đến phục vụ đối tượng doanh nghiệp và người dân nên cần sự thay đổi từ cách làm của người dân, thay vì mang hồ sơ đến trực tiếp thì thực hiện khai hồ sơ điện tử. Ngoài ra cũng cần quan tâm đến nền tảng hạ tầng, hạ tầng cơ sở dữ liệu. Nếu có hạ tầng tốt, bảo đảm tuyệt đối an ninh mạng, an ninh hệ thống, an ninh dữ liệu thì chúng ta sẽ có phát triển bền vững.

Thay đổi cách làm, mục tiêu minh bạch hóa mọi thủ tục

PV: Một trong những kỳ vọng, mục tiêu khi triển khai Chính phủ điện tử là sẽ giảm tham nhũng, tiêu cực và phiền hà cho người dân. Điều đó thể hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Có thể nói xây dựng Chính phủ điện tử gắn liền với cải cách của Chính phủ.

Trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên số một của Chính phủ là quyết liệt cải cách ở các cơ quan hành chính Nhà nước. Nếu chúng ta làm tốt sẽ tạo sự công khai, minh bạch, đáp ứng thẳng vào yêu cầu của người dân, doanh nghiệp. Từ đó hạn chế tiêu cực, hạn chế tham nhũng về thể chế, chính sách.

Muốn làm được thì chúng ta phải thay đổi nhận thức. Trước hết thay vì làm giấy tờ truyền thống hãy chuyển đổi xử lý hồ sơ trên nền điện tử, tiến tới số hoá. Tất cả vấn đề định danh cá nhân thế nào, rồi xử lý hồ sơ công việc bằng số hóa hết thì sẽ tạo ra những thuận lợi, môi trường trong lành, giảm chi phí, tiêu cực, tham nhũng trong thực thi công vụ.

Thủ tướng Chính phủ hiện nay đang rất quan tâm và luôn chỉ đạo sát sao vấn đề này. Nếu làm tốt việc xây dựng Chính phủ điện tử thì sẽ tạo ra sự lành mạnh trong các cơ quan quản lý Nhà nước, tạo ra niềm tin cho người dân, doanh nghiệp.

PV: Thực tế, nhiều cán bộ, công chức vẫn có thói quen làm việc dựa trên giấy tờ, vậy theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm thế nào để thay đổi được nhận thức này?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Đúng là khi người ta không muốn chuyển đổi từ giấy tờ truyền thống sang sử dụng CNTT trên nền điện tử là bởi họ không muốn thay đổi thói quen và rời bỏ quyền lợi của mình. Nhưng với nền hành chính hiện đại và quản trị thông minh thì chúng ta không chấp nhận việc đó được. Chúng ta phải triển khai một cách đồng bộ với các giải pháp rất quan trọng.

Trước hết là làm tốt công tác tư tưởng, coi đó là nguyên tắc bắt buộc của cán bộ, công chức khi thực thi công vụ.

Tiếp đó, đề cao vai trò của người đứng đầu. Trong mọi vấn đề, nếu có sự tích cực, quyết liệt từ người đứng đầu thì triển khai rất hiệu quả. Việc xây dựng Chính phủ điện tử là triển khai đồng bộ từ trên xuống dưới, nếu ở đâu có có một mắt xích không tròn trịa thì sẽ ách tắc toàn bộ cả quá trình.

PV: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu khẩn trương thực hiện gửi nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, coi đây là một thể hiện quan trọng của CPĐT. Trong đó, VPCP và các Bộ, ngành phải là những cơ quan đi đầu, vậy VPCP đã thực hiện việc này thế nào thưa ông?

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trên cơ sở đề xuất tham mưu của VPCP, ngày 12/7/2018, Thủ tướng đã ban hành quyết định 28/2018/QĐ-TTg quy định về gửi, nhận văn bản điện tử trong hệ thống cơ quan hành chính nhà nước. Tại VPCP cũng đã ban hành quyết định 626/QĐ-VPCP ngày 27/7/2018 phê duyệt thực hiện quyết định 28/2018/QĐ-TTg. Từ chỉ đạo của Thủ tướng, VPCP đang tham mưu với Thủ tướng xây dựng một hệ thống đường truyền quốc gia, có các quy định về chia sẻ dữ liệu thông tin, đặc biệt phải tạo ra cơ sở dữ liệu thông tin có tính chắt lọc chứ không phải dữ liệu thông tin lỗi thời, cũ rích và thiếu sự chia sẻ.

Hiện nay, VPCP đang thực hiện theo thông điệp của Thủ tướng về xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số: “Nghĩ lớn, hành động nhanh, bắt đầu từ cái nhỏ nhất”, không làm ồ ạt nhưng cũng không thể chậm trễ, cái gì làm được trước phải làm trước, huy động toàn thể các nguồn lực.

VPCP cũng đã tổ chức học tập, hội thảo với các chuyên gia trong nước, nước ngoài và có sự ủng hộ của các nước như Estonia, Pháp, Hàn Quốc, Malaysia và Tập đoàn Viettel, VNPT, FPT… để xây dựng đường truyền chuyên liên thông quốc gia từ Chính phủ đến các Bộ, ngành, địa phương, tới cả cấp xã để giao nhận văn bản trên nền điện tử.

VPCP hiện nay đang thực hiện mục tiêu "VPCP phi giấy tờ", toàn bộ sử dụng quản lý văn bản và giải quyết hồ sơ công việc trên nền điện tử.

Để thực hiện mục tiêu này, vừa qua VPCP liên tục tổ chức tập huấn các vấn đề về văn bản định danh, số hoá, vấn đề thông tin, bảo mật, quyền kiểm soát ở các khâu cụ thể. Tất cả văn bản của VPCP đều theo mục tiêu có thể xác định được trên nền điện tử chuyên viên nào đang xử lý, lãnh đạo Vụ nào xử lý, chậm trễ ở đâu. Bởi làm như vậy thì nền hành chính sẽ chuyển động rất mạnh, từ bỏ được những quyền lợi đặc thù của cán bộ; giải quyết thủ tục cho người dân, doanh nghiệp cũng hiệu quả hơn với tinh thần phục vụ lên hàng đầu.

VPCP cũng sẽ là cơ quan gương mẫu đi đầu trong ứng dụng CNTT, giải quyết hồ sơ trên nền điện tử, thực hiện "VPCP phi giấy tờ", hướng tới Chính phủ phi giấy tờ.

Trong thời điểm hiện nay, đây là những việc làm cấp thiết và cực kỳ quan trọng, theo đó CNTT là phương tiện giúp cho cải cách của Chính phủ.

Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng!