Việt Nam đứng thứ 6 khu vực châu Á-Thái Bình Dương về tỉ lệ ứng dụng IPv6
Theo đại diện của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) - cơ quan thường trực Ban công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia cho biết, tại Việt Nam, chuyển đổi IPv6 gắn liền với công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo sẵn sàng tài nguyên Internet và đáp ứng yêu cầu về kết nối, an toàn, an ninh phục vụ cho việc triển khai các công nghệ kỹ thuật mới sẽ bùng nổ trong tương lai như IoT, Big Bata, AI… Nhận thức rõ tầm quan trọng của chuyển đổi IPv6, trong năm 2018, Ban Công tác đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, doanh nghiệp để nâng cao tỉ lệ ứng dụng IPv6 tại Việt Nam và tạo bước chuyển biến rõ rệt trong nhận thức chuyển đổi IPv6 cho khối cơ quan Đảng, nhà nước.
Theo số liệu thống kê của Google, tính đến 31/12/2018, tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đã vượt trên 25,58% với hơn 14 triệu người sử dụng IPv6 (trong đó có 5,2 triệu khách hàng sử dụng Internet cáp quang (FTTH) và 2,7 triệu khách hàng di động), cao hơn tỷ lệ ứng dụng IPv6 trung bình toàn thế giới (18-20%). Với kết quả này, Việt Nam xếp thứ 2 Đông Nam Á, sau Malaysia; xếp thứ 6 châu Á - Thái Bình Dương (sau Ấn Độ, Mỹ, Malaysia, Đài Loan, Nhật Bản) và xếp thứ 13 trên thế giới về tỉ lệ ứng dụng IPv6.
Thống kê của Trung tâm Thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) cho hay, dẫn đầu về kết quả triển khai IPv6 tại Việt Nam là Tập đoàn VNPT với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt hơn 35%, đóng góp khoảng 56% cho kết quả triển khai IPv6 Việt Nam. Kết quả này có được do VNPT đã đẩy mạnh triển khai IPv6 cho 3,3 triệu thuê bao FTTH và tiên phong chuyển đổi IPv6 cho thuê bao di động. Trong năm 2018, VNPT đã đảm bảo cho 800.000 thuê bao di động VinaPhone hoạt động tốt với IPv6.
Là đơn vị xếp thứ 2 với kết quả tăng trưởng IPv6 đột phá trong năm 2018, Tập đoàn Viettel đóng góp hơn 22% vào tỷ lệ ứng dụng IPv6 Việt Nam (nguồn APNIC), với tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 25%, tăng tới hơn 1.195 lần so với cùng kỳ năm trước. Trong năm 2018, Viettel đã triển khai IPv6 cho 1,9 triệu thuê bao FTTH và 2,3 triệu thuê bao di động. Bên cạnh đó, nhà cung cấp FPT Telecom có tỉ lệ ứng dụng IPv6 đạt 25%. Công ty NetNam là đơn vị đồng hành, cung cấp truy cập Internet Wi-Fi sử dụng IPv6 cho các sự kiện ngày IPv6 Việt Nam hàng năm.
Chuyển đổi sang IPv6 của khối cơ quan Đảng, Nhà nước chuyển biến tích cực
Cũng trong năm 2018, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 quốc gia đã tăng cường các hoạt động tập huấn, đào tạo và tư vấn hỗ trợ triển khai IPv6 cho các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến địa phương. Một số cơ quan đã hoàn thành thử nghiệm IPv6 cho mạng lưới, cổng thông tin và bước đầu có lưu lượng IPv6 trên các kênh đo kiểm quốc tế, một số đơn vị tiêu biểu như Bộ TT&TT, Bộ TN&MT và các Sở TT&TT Đà Nẵng, Long An, Đồng Tháp, Lâm Đồng, Bình Dương.
Trong đó, Bộ TT&TT là đơn vị đầu tiên chuyển đổi thành công IPv6 cho cổng thông tin của Bộ, ngành (từ năm 2013) và hiện đã sẵn sàng triển khai IPv6 cho dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Đối với mạng truyền số liệu chuyên dùng của cơ quan Đảng, Nhà nước, Cục Bưu điện Trung ương đã sẵn sàng đáp ứng hạ tầng kết nối IPv6 cho các ứng dụng dùng riêng phục vụ Chính phủ điện tử và thiết lập kết nối IPv6 tới Văn phòng trung ương Đảng, Văn phòng Quốc hội và Bộ TT&TT.
Tính tới cuối năm 2018, khối cơ quan Đảng, Nhà nước có tổng 48 website hoạt động tốt với IPv6, chiếm 1,63% trên tổng số website của cơ quan nhà nước; chiếm 0,77% trên tổng số website “.vn” đã hoạt động với IPv6.
Trong phương hướng hoạt động năm nay, hướng tới hoàn thành tổng thể Kế hoạch hành động quốc gia về IPv6, Ban Công tác thúc đẩy IPv6 thời gian tới sẽ tập trung thực hiện các công tác trọng tâm gồm: Tăng cường triển khai IPv6 trong mạng lưới, ứng dụng CNTT của khối cơ quan nhà nước; Thúc đẩy tăng cường ứng dụng IPv6 trên mảng dịch vụ nội dung, sản xuất thiết bị trong nước; Tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực tế dịch vụ IPv6 trên mạng di động 4G LTE; 5G; các thiết bị đầu cuối di động nhập khẩu và sản xuất tại Việt Nam hỗ trợ IPv6; Tăng cường mức độ ứng dụng IPv6 trên tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; Gắn chặt IPv6 với đảm bảo an toàn thông tin, nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng và công bố cụ thể các tiêu chí đánh giá hoàn thành Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6; hoàn thành mục tiêu tổng thể của Kế hoạch Hành động quốc gia về IPv6, đưa tỉ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt 30% vào cuối năm 2019.