Việt Nam xây dựng thành phố thông minh thời công nghiệp 4.0

11:17 | 17/06/2019

Ngày 4/6, trong khuôn khổ sáng kiến Ngày ASEAN - Nhật Bản tại Việt Nam năm 2019, Hội nghị chuyên đề về “Hợp tác ASEAN - Nhật Bản vì sự thịnh vượng” đã diễn ra tại Hà Nội. Các mô hình phát triển và giải pháp xây dựng thành phố thông minh đã thu hút sự quan tâm của các chuyên gia hàng đầu đến từ chính phủ Nhật Bản, Singapore, Malaysia và các nhà hoạch định chính sách từ các bộ, ngành của Việt Nam tham gia thảo luận.

Đây là hoạt động quan trọng đầu tiên triển khai theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về tổ chức Ngày ASEAN - Nhật Bản tại Việt Nam nhằm tăng cường hiểu biết chung và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ toàn diện giữa hai bên trên tất cả các lĩnh vực. Trong phiên khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, Nhật Bản là một đối tác của ASEAN từ năm 1973, sớm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược với ASEAN từ năm 2003 và hiện đang là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Hiện nay, Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ 4, nhà đầu tư lớn thứ 2 vào ASEAN và là nhà cung cấp hỗ trợ phát triển ODA hàng đầu cho nhiều nước trong khu vực.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, những chuyển động nhanh chóng của cục diện khu vực và quốc tế, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ đang đặt ASEAN và Nhật Bản trước những cơ hội và thách thức mới. Cách mạng công nghiệp 4.0, một mặt mở ra thời cơ to lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển của các quốc gia, mặt khác cũng có thể đẩy các nước vào nguy cơ tụt hậu trong tiến trình phát triển toàn cầu. Bên cạnh đó, nổi lên các vấn đề thách thức toàn cầu về thương mại điện tử, xây dựng mạng lưới thành phố thông minh, an ninh mạng, rác thải nhựa, già hoá dân số… Trong bối cảnh đó, ASEAN và Nhật Bản cần đẩy mạnh nỗ lực hợp tác và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả nhằm tận dụng tối đa các thời cơ cũng như giảm thiểu các tác động tiêu cực có thể đem lại.

Việt Nam coi trọng và dành ưu tiên cao cho việc đảm nhiệm vai trò điều phối quan hệ ASEAN - Nhật Bản giai đoạn 2018 - 2021. Việt Nam sẽ nỗ lực là cầu nối hiệu quả giữa ASEAN với Nhật Bản và trông đợi nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản và các nước ASEAN để phát huy thành công vai trò điều phối quan trọng này, góp phần nâng tầm quan hệ đối tác vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của cả ASEAN, Nhật Bản và khu vực.

Hội Nghị đã diễn ra với 5 chuyên đề: Đẩy mạnh quan hệ đối tác và hợp tác toàn diện ASEAN-Nhật Bản; Nông nghiệp công nghệ cao: Hợp tác kinh doanh và đầu tư; Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp; Vấn đề già hóa dân số và cơ hội kinh doanh. 

Đáng lưu ý là chủ đề Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp. Phát biểu khai mạc chuyên đề ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh: Khu vực ASEAN được đánh giá là khu vực năng động và phát triển mạnh mẽ trên toàn cầu trong những năm gần đây. Vì thế đô thị hóa đã trở thành xu thế chủ đạo, định hình môi trường phát triển xã hội, văn hóa của các nước ASEAN. Phát triển đô thị là động lực phát triển cơ bản để phát triển kinh tế quốc gia.

Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế chung này, tính đến tháng 3/2019 chúng ta đã có 830 đô thị với tỉ lệ đô thị hóa đạt khoảng 38,6%. Trung bình hàng năm có khoản hơn một triệu người dân gia nhập dân cư đô thị, vì thế xây dựng Hệ thống đô thị đã và đang là trọng tâm trong việc đẩy mạnh tính tự cường và sáng tạo. Sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và sự lan tỏa của các tiện ích dịch vụ đã và đang làm thay đổi mối quan hệ giữa người dân và chính quyền cũng như phương thức vận hành trong đô thị. Do vậy sự phát triển và quản lý đô thị cũng được tiếp cận theo xu hướng mới.

Thứ trưởng cũng cho biết: Nhật Bản có khoảng 744 đô thị, với 13 đô thị có dân số hơn 1 triệu dân. Tỉ lệ đô thị hóa tại Nhật cao hơn 90%, với mật độ dân số lớn hơn 12.000 người/1 km2 (Mật độ dân số tại Hà nội, Việt Nam khoảng hơn 2.000 người/1km2). Nhưng do áp dụng các thành tựu của công nghiệp 4.0 trong quá trình phát triển, quản lý đô thị cho nên các đô thị ở Nhật Bản vẫn tạo điều kiện sống và làm việc tốt cho dân cư, đây là những kinh nghiệm hết sức quý báu để chúng ta học hỏi và áp dụng.

Nhận thức vấn đề này tháng 7/2018, ASEAN hình thành mạng lưới các đô thị thông minh ASEAN (ASCN - Asean Smart Cities Network) nhằm thúc đẩy sự kết nối và hợp tác giữa các thành viên ASEAN cũng như hợp tác giữa ASEAN với các đối tác.

Sáng kiến xây dựng mạng lưới thành phố thông minh của các nước ASEAN đang được triển khai mạnh mẽ, hướng tới mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống người dân dựa trên nền tảng kinh tế số. Mạng lưới ASCN đã đề ra khung nhận thức chung về đô thị thông minh, xác định 3 mục tiêu đô thị thông minh hướng tới đó là: Môi trường phát triển bền vững, Xã hội công bằng và Nền kinh tế cạnh tranh.

Tại Việt Nam, tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã Phê duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến năm 2030 (Quyết định số 950/QĐ-TTg). Nội dung của Đề án đã xác định các quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu, các nhiệm vụ trọng tâm cho từng giai đoạn cụ thể, đồng thời phát triển tính chủ động của các Bộ, ngành và các địa phương cũng như cộng đồng doanh nghiệp, của xã hội trong việc phát triển và xây dựng xã hội thông minh ở Việt Nam.

Trong giai đoạn này, sự phát triển của các thành phố thông minh của Việt nam gồm các nội dung cơ bản: Quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý đô thị thông minh; Cung cấp các tiện ích đô thị thông minh cho các tổ chức, các cá nhân trong đô thị.

Theo Liên minh Viễn thông thế giới (ITU), đô thị thông minh bền vững là đô thị sáng tạo sử dụng Công nghệ thông tin và Truyền thông (ICT) và các phương tiện khác để cải thiện chất lượng cuộc sống, phát huy hiệu quả các hoạt động và dịch vụ của đô thị, tăng khả năng cạnh tranh, trong khi vẫn bảo đảm đáp ứng các nhu cầu của hiện tại và tương lai đối với các khía cạnh về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh (phiên bản 1.0) để làm căn cứ cho việc xây dựng, phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam. Trong quyết định mới ban hành, Bộ TT&TT cũng đưa ra quy định về các thành phần của Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh như sau:

Sơ đồ tổng thể Khung tham chiếu ICT phát triển đô thị thông minh

Bên cạnh đó, bảo đảm tính trung lập về công nghệ, chú trọng áp dụng công nghệ ICT phù hợp với đô thị thông minh như Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây, phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… và có khả năng tương thích với nhiều nền tảng; tận dụng, tối ưu cơ sở hạ tầng ICT sẵn có; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, năng lực ứng cứu, xử lý sự cố mất an toàn thông tin, đặc biệt là hạ tầng thông tin trọng yếu; bảo vệ thông tin riêng tư của người dân.

Phiên tọa đàm Chuyên đề Thành phố thông minh: Các mô hình phát triển và giải pháp

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã có nhiều tham luận chia sẻ kinh nghiệm, tiềm năng và kế hoạch triển khai mạng lưới thành phố thông minh tại mỗi quốc gia. Mạng lưới này là công cụ để gắn kết các thành phố trong khu vực, mang đến cuộc sống hiện đại và chất lượng cao cho người dân. Song để hiện thực hóa những cơ hội đến từ các thành phố thông minh, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ các nước, sự chung tay góp sức của khu vực tư nhân, cũng như sự phát triển trong nhận thức của cộng đồng dân cư khu vực ASEAN.