Xây dựng Chính phủ điện tử có những bước tiến đột phá

09:52 | 08/10/2019
M.C

Việc triển khai xây dựng Chính phủ điện tử đã có những bước tiến đột phá quan trọng, đặc biệt là chuyển biến trong nhận thức về Chính phủ điện tử và quá trình triển khai hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa cải cách hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành văn bản trên hệ thống quản lý văn bản điện tử, tại lễ khai trương Trục Liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử do Văn phòng Chính phủ tổ chức, ngày 12/3 tại Hà Nội.

Đây là nhận định trong báo cáo về tình hình triển khai, kết quả thực hiện Nghị quyết số 17/NQ-CP về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến 2025.

Theo báo cáo của Văn phòng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử, thành lập các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử tại bộ, ngành, địa phương và xác định những nhiệm vụ trọng tâm theo Nghị quyết 17/NQ-CP được các tổ chức, chuyên gia quốc tế đánh giá là đúng hướng, phù hợp với xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới hiện nay.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Quốc gia về Chính phủ điện tử và nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước, việc triển khai Nghị quyết 17/NQ-CP sau 3 tháng triển khai đạt được một số kết quả tích cực.

Cụ thể như, từng bước hoàn thiện khung pháp lý đồng bộ về xây dựng Chính phủ điện tử; cơ chế đầu tư, thuê dịch vụ công nghệ thông tin dần được tháo gỡ; các hệ thống thông tin quan trọng được nghiên cứu, xây dựng khẩn trương.

Đến nay, đã vận hành được một số hệ thống có ý nghĩa trong triển khai Chính phủ điện tử như Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống thành chính nhà nước và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, các nội dung lớn của Cổng Dịch vụ công quốc gia cũng đang được thực hiện.

Công tác bảo đảm an toàn, an ninh được nhận thức đẩy đủ hơn và đã có những cải thiện tích cực, theo công bố chưa chính thức cuối tháng 3/2019 của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), năm 2018, Việt Nam xếp hạng thứ 50/193 quốc gia, vùng lãnh thổ được đánh giá về chỉ số an toàn, an ninh thông tin (tăng 50 bậc so với năm 2017).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng, Chính phủ đã xác định năm 2019 là năm bứt phá trong xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, tạo sự minh bạch hơn nữa trong hoạt động của các cơ quan hành chính.

Với phương châm: Nghĩ lớn, nhìn tổng thể; hành động nhanh, làm đâu chắc đấy; bắt đầu từ những việc nhỏ nhất; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao 83 nhiệm vụ phát triển Chính phủ điện tử, 16 nhiệm vụ về văn bản điện tử. Tới nay, 7/83 nhiệm vụ cụ thể đã được hoàn thành. 100% các Bộ, cơ quan có kế hoạch hành động cụ thể. Đã thực hiện gửi, nhận văn bản điện tử có ký số, tiết kiệm hơn 1.200 tỷ đồng/năm. Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ e-Cabinet đã đưa vào vận hành thử nghiệm, góp phần giảm thời gian họp, đẩy mạnh xử lý công việc qua môi trường mạng.

Thủ tướng đã ban hành Khung kiến trúc Chính phủ điện tử (bản 2.0), phê duyệt các Đề án: Cổng Dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin báo cáo quốc gia và Trung tâm chỉ đạo, điều hành. Việc triển khai Chính phủ điện tử minh bạch, rõ mục tiêu, rõ phương pháp nên đã huy động được sự vào cuộc của khu vực tư nhân, hỗ trợ của quốc tế, những chuyên gia giỏi trong và ngoài nước. Tăng cường cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại các bộ, ngành, địa phương. Hệ thống tiếp nhận, trả lời phán ánh kiến nghị của người dân, doanh nghiệp trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tiếp tục phát huy hiệu quả.

Đáng lưu ý, báo cáo của VPCP cũng thông tin cụ thể về tình hình xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia ưu tiên triển khai. Theo đó, về cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp khoảng 1,9 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em khi đăng ký khai sinh tại 43 tỉnh, thành phố trên cả nước; tiến hành cấp hơn 12 triệu căn cước công dân tại 16 tỉnh, thành phố và đang xây dựng phần mềm phục vụ kết nối hệ thống Căn cước công dân với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Đến nay, Bộ Công an đã thu thập thông tin được 80 triệu phiếu, đạt tỷ lệ 86% và tổ chức scan được khoảng 25 triệu dữ liệu.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tập trung số hóa toàn bộ dữ liệu của ngành tại trung ương, tiến hành rà soát, đồng bộ, cấp mã định danh cho toàn bộ người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. Tính đến hết tháng 5 năm 2019, Cơ sở dữ liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý 14,4 triệu người tham gia BHXH bắt buộc và 363.000 người tham gia BHXH tự nguyện; 12,87 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp; 84,48 triệu người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ bao phủ 89% dân số. Đây là nguồn dữ liệu thành phần cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về Bảo hiểm để phục vụ việc chia sẻ, kết nối với các Bộ, ngành, đơn vị trong tương lai.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Đề án tổng thể xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 11/2019.

Tháng 4 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã phê duyệt kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính làm căn cứ để tiến hành xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, hiện đang tổ chức triển khai, bảo đảm việc đưa vào sử dụng chính thức trong năm 2020 theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 17/NQ-CP…

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng, công tác xây dựng Chính phủ điện tử cũng còn một số tồn tại, hạn chế. Việc triển khai Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ và khả năng sẵn sàng kết nối với Cổng Dịch vụ công quốc gia chưa đáp ứng yêu cầu (chưa tích hợp ký số trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính). Số lượng hồ sơ thực hiện trực tuyến thấp, ít được quan tâm dẫn đến quá hạn. Chức năng thanh toán trực tuyến còn hạn chế, chưa đáp ứng đa dạng các nhu cầu.

Trong 6 tháng cuối năm, cần đẩy nhanh việc trình ban hành các Nghị định nền tảng cho vận hành Chính phủ điện tử: quy định về kết nối, chia sẻ dữ liệu; định danh, xác thực điện tử; bảo vệ dữ liệu cá nhân và thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Cùng với đó, ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ, tỉnh; phát triển Trục liên thông văn bản quốc gia thành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia; đưa vào vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia (trước hết là cấp đổi giấy phép lái xe, đấu giá biển số…); hoàn thiện hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; xử lý hồ sơ và gửi nhận văn bản điện tử trong tất cả các bộ, địa phương…