Xây dựng Ngành Cơ yếu Việt Nam bắt kịp thời đại số

14:09 | 29/11/2023

Ngày nay, cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư đã và đang tạo ra các nền tảng số, hạ tầng số rộng khắp. Chuyển đổi số đang trở thành động lực phát triển lớn nhất, tạo ra sự thay đổi mang tính tổng thể và toàn diện từ Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương, trong đó có Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam.

Cùng với tầng tầng, lớp lớp các thiết bị đầu - cuối được phổ cập hóa, đại chúng hóa, tiện ích hóa, các sản phẩm mật mã tự động hóa cao cũng được phát triển và tích hợp. Những sự phát triển và cộng hưởng ấy đang mở ra những tiềm năng vô hạn về tốc độ xử lý thông tin, khối lượng truyền tải thông tin, mức độ bảo mật thông tin. Nó giúp tháo gỡ cho ngành Cơ yếu nhiều nút thắt, nhưng đồng thời cũng đòi hỏi ngành Cơ yếu phải có những thay đổi về nhận thức, cách tiếp cận và cách làm để tạo ra thay đổi căn bản quá trình thực thi nhiệm vụ công tác cơ yếu.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu tại buổi Báo cáo kết quả, tiến độ triển khai các nhiệm vụ Chuyển đổi số của Ban Cơ yếu Chính phủ 6 tháng đầu năm 2023

Sứ mệnh của ngành Cơ yếu hiện nay vẫn là bảo mật và an toàn thông tin, nhưng thông tin trong thời đại số đã khác xưa rất nhiều. Chuyển đổi số bao gồm chuyển đổi số hóa thông tin và chuyển đổi số hóa dữ liệu. Thông tin chính là dữ liệu số và một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Cơ yếu ngày nay chính là bảo vệ bí mật, an toàn dữ liệu số, đảm bảo cho dữ liệu số được “đúng, đủ, sạch, sống”. Ngành Cơ yếu sẽ phải sử dụng công nghệ thông tin để biến các thông tin và dữ liệu thành các tài nguyên số để truyền tải, lưu trữ, quản lý, khai thác một cách kỷ luật, hiệu quả, thuận tiện, an toàn.

Hãy tưởng tượng một khối lượng lớn chữ viết, âm thanh, hình ảnh có nội dung quan trọng được chuyển đổi thành các dữ liệu số, được phân loại, sắp xếp, quản lý theo từng cấp độ bảo mật khác nhau. Lúc đó, việc truyền tải, lưu trữ, bảo mật sẽ không cần đến các nhà kho phân tán, các nguồn nhân lực được duy trì tốn kém và không an toàn, mà chỉ cần có một hệ thống máy tính hoạt động trên nền tảng số, hạ tầng số, được tích hợp các thiết bị mã hóa và giải mã tự động hiện đại. Các cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị muốn khai thác thông tin, dữ liệu chỉ cần được quy định về thẩm quyền truy cập, ứng với từng cấp độ truy cập cụ thể hoặc đơn giản là được cấp quyền truy cập thông qua một bộ phận quản trị hoặc một cá nhân có thẩm quyền nào đó. Đó chính là những lợi ích thiết thực khác biệt do công nghệ thông tin, chuyển đổi số kết hợp với giải pháp của cơ yếu mang lại.

Kể từ khi thành lập (ngày 12/9/1945), ngành Cơ yếu Việt Nam luôn phải đào tạo và duy trì hoạt động một lực lượng chủ công - đó là đội ngũ các mã dịch viên chuyên nghiệp. Như vậy, chúng ta có thể thấy, hoạt động cơ yếu sẽ không còn nặng về thủ công và nhân lực như trước. Không chỉ cần con người và phương tiện để mã hóa, giải mã thông tin bí mật nhà nước như trước đây; Cơ yếu còn cần phải biết tham mưu, cần những chủng loại sản phẩm mật mã thông minh bảo vệ thông tin, dữ liệu do chính mình tạo ra. Con người, nhất là đội ngũ các mã dịch viên đông đảo trước đây rồi sẽ phải thay đổi, nâng cấp để thích nghi với thời đại, với các giải pháp công nghệ mới, với các cách thức vận hành mới.

Đồng chí Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ công bố ra mắt Website chuyển đổi số của Ban Cơ yếu Chính phủ tại Hội nghị tuyên truyền chuyển đổi số của Ban Cơ yếu Chính phủ ngày 23/11

Để ngành Cơ yếu Việt Nam thực hiện thành công chuyển đổi số, tiến tới quản lý thống nhất tài nguyên số, sẽ cần rất nhiều phần việc phải làm. Trước hết cần thay đổi về tư duy, nhận thức và hành động; cần xây dựng, thông qua chủ trương phát triển công nghệ thông tin chuyển đổi số kết hợp với bảo mật thông tin, dữ liệu bằng giải pháp cơ yếu. Tiếp đến, phải lên kế hoạch tổng thể, chi tiết; phải xây dựng, ban hành hệ thống văn bản pháp lý, hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn để làm căn cứ thực hiện kế hoạch nói trên; phải phát triển nguồn nhân lực, vật lực phù hợp…; và cuối cùng mới là xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu theo chuẩn “đúng, đủ, sạch, sống” đã được ban hành.

Sau 78 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Cơ yếu Việt Nam ngày càng khẳng định được vai trò, vị thế của một ngành khoa học kỹ thuật cơ mật đặc biệt; không chỉ đảm bảo bảo mật, an toàn thông tin cho lãnh đạo, chỉ huy mà hiện nay cơ yếu còn có chức năng tham mưu, quản lý nhà nước. Cơ yếu phải thể hiện vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc hoàn thiện thể chế, tham mưu giải pháp bảo mật để bảo đảm an toàn thông tin, dữ liệu trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh chuyển giao, tiếp thu khoa học - công nghệ tiên tiến, hiện đại và ứng dụng những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghệ lần thứ tư vào công tác nghiên cứu, triển khai các sản phẩm mật mã, giải pháp bảo mật, an toàn thông tin đáp ứng yêu cầu ngày càng lớn trong thời gian tới.

Để tiến hành chuyển đổi số thành công, ngành Cơ yếu Việt Nam sẽ phải trải qua một hành trình đủ dài, rộng, đủ vất vả, tốn kém để đạt tới đích cuối cùng. Nhưng kết quả mang lại không những mở ra tương lai thuận lợi phía trước, mà thành công sẽ xóa bỏ mọi hạn chế phía sau để ngành Cơ yếu Việt Nam hội đủ tầm vóc bước đi cùng thế giới.