Xây dựng quy tắc ứng xử vì một không gian mạng an toàn và lành mạnh

14:05 | 05/04/2018

Đó là điểm nhấn trong phát biểu khai mạc của Trung tướng, PGS. TS. Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng, Bộ Công an trình bày tại Hội thảo - Triển lãm quốc gia về An ninh bảo mật - Security World 2018 được tổ chức hôm nay, ngày 5/4/2018 tại Hà Nội.

Tham dự Hội thảo còn có ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Nam Á; đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị của các Bộ, ngành... Phía Ban Cơ yếu Chính phủ có đồng chí Thiếu tướng Lê Xuân Trường, Phó Trưởng Ban cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Ban và Cục Cơ yếu các bộ, ngành.

Phát biểu tại Hội thảo, Trung tướng Hoàng Phước Thuận nhận định: Sự phát triển mạnh mẽ của CNTT đã làm xuất hiện nhiều nguy cơ mới đe dọa an ninh các quốc gia từ không gian mạng. Hoạt động tấn công, xâm nhập hệ thống mạng thông tin, đánh cắp, làm thay đổi hoặc phá hoại các thông tin, dữ liệu trong hầu hết các lĩnh vực là mối lo ngại thường trực đối với tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Các cuộc tấn công mạng, phát tán thông tin sai lệch mang màu sắc chính trị liên tục tác động đến an ninh và chính trường của nhiều quốc gia. Không gian mạng đã và đang trở thành môi trường thuận lợi để các cá nhân, tổ chức khủng bố liên  lạc, tuyển mộ lực lượng, gây quỹ, truyền bá tư tưởng chống đối cực đoan, kích động sự hận thù và bạo lực. Phòng chống tấn công mạng, tội phạm mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng và ứng phó với những nguy cơ mới đến từ không gian mạng đã trở thành vấn đề toàn cầu, được nhiều quốc gia xác định là nội dung cốt lõi trong bảo vệ, phát triển đất nước. 


Trung tướng Hoàng Phước Thuận phát biểu tại Hội thảo

Việt Nam cũng chịu tác động mạnh mẽ bởi các diễn biến của tình hình bảo mật và an toàn thông tin (BM&ATTT) trên thế giới, đặt ra những nguy cơ, thách thức không nhỏ đối với mỗi cơ quan, tổ chức, cá nhân, thậm chí đe dọa đến quốc phòng - an ninh, đó là: 

Tình hình lộ bí mật nhà nước, lộ thông tin cá nhân của người dùng Internet diễn ra đáng lo ngại. Mỗi năm, cơ quan chức năng phát hiện hàng chục vụ lộ, lọt bí mật nhà nước trên Internet. Thông tin cá nhân, dữ liệu về tài khoản của người sử dụng mạng không được bảo vệ và bị lạm dụng vào mục đích thương mại, chính trị… dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Sự thiếu lành mạnh và sự nhiễu loạn thông tin trên không gian mạng. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2017, Việt Nam đứng trong Top 10 quốc gia có nhiều người dùng mạng xã hội nhất thế giới. Bên cạnh những tiện ích hữu dụng và những thông tin tích cực, người dùng Internet Việt Nam, nhất là giới trẻ và thậm chí trẻ em bị tác động tiêu cực bởi hàng ngàn thông tin, hình ảnh có nội dung sai lệch, kích động bạo lực, khủng bố tinh thần, lừa đảo… được phát tán tự do trên không gian mạng. Đây là vấn đề nhức nhối tác động tiêu cực đến người sử dụng mạng, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. 

Các cuộc tấn công mạng không ngừng gia tăng, đặc biệt tấn công bằng mã độc tống tiền ngày càng trở nên phổ biến và nguy hiểm. Hoạt động tấn công mạng vào hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước, các tập đoàn kinh tế, tài chính, ngân hàng nhằm chiếm đoạt thông tin, tài liệu diễn ra nghiêm trọng. Các hệ thống giám sát, điều khiển tự động (ISC/SCADA) bị tấn công ngày càng nhiều, tính chất nguy hiểm ngày càng cao.

Tình hình tội phạm mạng có tổ chức hoạt động trên môi trường mạng gia tăng, được tổ chức tinh vi với mạng lưới liên kết tại nhiều địa phương, quy mô lớn, có vụ lên đến hàng chục tỷ đồng. Hoạt động thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và các dịch vụ trực tuyến ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ nhưng công tác quản lý còn chưa theo kịp, thậm chí lỏng lẻo, tạo sơ hở cho hoạt động lừa đảo, đánh bạc, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền không gian thanh toán và hệ sinh thái kỹ thuật số. Đây là vấn đề cần phải được xem xét chấn chỉnh trong thời gian tới.

Từ thực trạng trên, cần xác định đe dọa từ không gian mạng là nguy hiểm đối với an ninh quốc gia, với mỗi tổ chức, các nhân. BM&ATTT là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị, là trách nhiệm của mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân; từ đó, nâng cao nhận thức, trách nhiệm, khả năng tự phòng vệ và ứng xử phù hợp cho các tấn cấp, các ngành và toàn xã hội về vấn đề BM&ATTT. Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống chính sách, pháo luật về bảo đảm an ninh mạng quốc gia; Thúc đẩy xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng để hình thành ý thức tự giác tạo dựng một không gian mạng an toàn, lành mạnh của mỗi người dân và toàn xã hội. 

Việt Nam mong muốn các quốc gia trên thế giới hướng tới thiết lập một khuôn khổ pháp lý chung, ký kết Hiệp định bảo đảm an toàn thông tin quốc tế làm cơ sở pháp lý và quy tắc ứng xử cho các hành động quốc tế trong đảm bao an toàn, an ninh thông tin, đấu tranh, phòng chống tội phạm mạng. Tuân thủ các quy tắc này giúp định hướng hành động nhà nước trong xử lý tội phạm, tránh những hiểu lầm có thể dẫn đến xung đột và tăng cường quá trình hợp tác trên lĩnh vực an toàn, an ninh thông tin giữa các quốc gia, góp phần bảo vệ quốc gia, vì sự ổn định, hòa bình của các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sau phần phát biểu khai mạc của Trung tướng Hoàng Phước Thuận là tham luận của các diễn giả có uy tín trong lĩnh vực BM&ATTT, đại diện các hãng bảo mật tập trung về chủ đề “Tăng cường bảo mật dữ liệu và an ninh mạng trong thế giới kết nối”, đã thu hút hơn 450 đại biểu tới tham dự.

Trải qua 12 kỳ tổ chức liên tiếp tại Việt Nam từ năm 2007, Hội thảo - Triển lãm Quốc gia về An ninh Bảo mật đã trở thành diễn đàn quốc gia lớn và uy tín tại Việt Nam trong lĩnh vực BM&ATTT. Sự kiện do Cục An ninh mạng, Bộ Công an, phối hợp cùng Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế tổ chức dưới sư chủ trì của Bộ Công an và sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng Ban Cơ yếu Chính phủ.