Xây dựng thành công Chính phủ điện tử bằng sức mạnh nội tại

13:28 | 12/02/2020

Việt Nam đủ khả năng xây dựng Chính phủ điện tử bằng sức mạnh nội tại, dựa trên nguồn lực của nhà nước và tư nhân cùng làm, đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương diễn ra sáng 12/2.

Tham dự Hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử Vũ Đức Đam; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo các bộ, ngành và kết nối trực tuyến đến 63 địa phương.

Đây là Hội nghị trực tuyến lần thứ 3 được tổ chức sau gần 18 tháng thành lập Ủy ban Quốc gia (UBQG) về Chính phủ điện tử (CPĐT) và là Hội nghị toàn quốc đầu tiên sau Tết Canh Tý.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị

Thủ tướng cho biết, Hội nghị được tổ chức nhằm tổng kết, đánh giá một năm triển khai CPĐT, từ đó lựa chọn kết quả tốt nhất để nhân rộng cách làm và bổ sung, hoàn thiện các giải pháp một cách thực chất. Bên cạnh đó, Hội nghị sẽ thảo luận về các cản trở, khó khăn trong xây dựng CPĐT, nhất là chủ trương các cấp chính quyền hưởng ứng việc đưa toàn dân tham gia xây dựng CPĐT.

CPĐT sẽ tăng cường tính minh bạch và chống tham nhũng, lấy người dân làm trung tâm để không ai bị bỏ lại phía sau. Nhưng nếu người dân không dùng các dịch vụ công thì CPĐT không thành công.

“Chúng ta đưa ra những nhiệm vụ mới, giải pháp mới để năm 2020 thực hiện đạt kết quả tốt, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vào lộ trình xây dựng CPĐT ở Việt Nam. CPĐT không phải làm một lúc là xong được mà chia làm nhiều giai đoạn, có những giai đoạn quan trọng, trong đó năm 2020 là năm có nhiều thách thức. Chúng ta phải có định hướng như thế nào để triển khai có hiệu quả nhất để tăng năng suất lao động” Thủ tướng nói. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhận định, cả nước đang tích cực triển khai hiệu quả các biện pháp phòng chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona. Nếu làm tốt CPĐT cũng là một giải pháp ngăn ngừa virus Corona khi hiện nay, nhiều cơ quan, đơn vị, trường học ứng dụng CPĐT trong giao dịch, hạn chế tiếp xúc trực tiếp.

Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, năm 2019, công cuộc xây dựng CPĐT có nhiều chuyển biến tích cực. Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 tăng gấp đôi. Hệ thống Trục liên thông văn bản quốc gia phục vụ gửi, nhận văn bản điện tử giữa các cơ quan trong hệ thống hành chính Nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã được khai trương và đi hoạt động đã phát huy hiệu quả bước đầu; công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng được cải thiện.

Từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ nhấn nút khai trương (09/12/2019) đến nay, đã có 47.377 tài khoản đăng ký trên Cổng Dịch vụ công quốc gia; có hơn 13,7 triệu lượt truy cập; hơn 945.000 hồ sơ đồng bộ trạng thái. Đến thời điểm này, đã có 9/22 Bộ, cơ quan và 63/63 tỉnh, thành phố kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Tính từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ khai trương (ngày 12/3/2019) đến ngày 10/02/2020, đã có hơn 1,26 triệu văn bản điện tử gửi, nhận qua Trục liên thông văn bản quốc gia.

Bên cạnh những kết quả như trên, trong triển khai các nhiệm vụ CPĐT vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa hoàn thành các văn bản quy phạm pháp luật làm khung thể chế cho triển khai CPĐT như chưa hoàn hành cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai; Trên 70% các bộ, ngành, địa phương chưa có nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; Chưa có nền tảng thanh toán điện tử cho dịch vụ công; Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa có ý thức thay đổi thói quen, vẫn ưu tiên thực hiện theo các phương thức truyền thống.

Nhận định thêm về các kết quả bước đầu trong việc triển khai CPĐT, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính được rà soát và cắt giảm, tiết kiệm được 6.300 tỷ đồng. Việc triển khai gửi nhận văn bản điện tử này đã góp phần giảm đáng kể thời gian gửi, nhận văn bản và giảm các chi phí được 1.200 tỷ đồng.

Hội nghị ghi nhận nhiều ý kiến tham luận về kinh nghiệm triển khai, đánh giá độc lập về CPĐT của các bộ, ngành như Bộ Công Thương, tỉnh An Giang, CMC… cũng như thảo luận về các vấn đề trong việc xây dựng CPĐT.