Hội nghị 08 cơ sở đào tạo trọng điểm về ATTT tại Học viện Kỹ thuật mật mã năm 2016
Tình hình đào tạo ATTT tại Việt Nam trong thời gian gần đây
Tại Việt Nam, Chính phủ đã và đang đưa ra nhiều giải pháp cho vấn đề đảm bảo ATTT. Cụ thể, có nhiều tổ chức mới đã được thành lập như: Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), Cục ATTT (Bộ TT&TT), Trung tâm Công nghệ thông tin và Giám sát an ninh mạng (Ban Cơ yếu Chính phủ)… Một số bộ Luật về ATTT đã được ban hành như: Luật An toàn thông tin mạng, Luật an ninh mạng, Luật Bảo vệ bí mật nhà nước. Vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ATTT cũng được Chính phủ hết sức quan tâm như Đề án 99 về “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực an toàn, an ninh thông tin đến năm 2020” đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2014.
Trong nước, trước năm 2013, cả nước chỉ có một cơ sở giáo dục đào tạo trình độ đại học chuyên ngành ATTT tại Học viện KTMM (tính đến nay đã tuyển sinh và đào tạo 16 khóa kỹ sư ATTT và 06 khóa thạc sĩ ATTT). Từ năm 2013, khi Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo thí điểm theo mã ngành ATTT thì một số trường đại học khác trong nước mới bắt đầu tuyển sinh ngành này. Ngoài các cơ sở đào tạo đại học, cũng có một số trung tâm đào tạo theo chương trình cấp chứng chỉ của các tổ chức quốc tế như: HanoiCTT, SaigonCTT, Học viện mạng NetPro-ITI, Trung tâm đào tạo ATHENA, Trung tâm đào tạo VnExpert....
Đến hết năm 2019, 08 cơ sở đào tạo trọng điểm về an toàn, an ninh thông tin theo Đề án 99 đã thực hiện tuyển sinh đào tạo hệ chính quy thạc sĩ, kỹ sư, cử nhân ATTT, gồm: Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, Học viện Kỹ thuật mật mã, Học viện Kỹ thuật Quân sự, Học viện An ninh Nhân dân, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học CNTT thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Công nghệ thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa thuộc Đại học Đà Nẵng. Riêng Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng tuyển sinh từ sinh viên năm thứ 4 chuyên ngành CNTT sang học chuyên ngành an toàn mạng.
Ngoài các cơ sở đào tạo trọng điểm nêu trên, một số cơ sở đào tạo khác như: Trường Đại học FPT; Trường Đại học CNTT-TT, Đại học Thái Nguyên; Đại học Duy Tân; Đại học Công nghệ TP.HCM, Đại học Công nghiệp thực phẩm và Trường Đại học Việt Pháp. Trong giai đoạn 2014 - 2019, trong nước đã có khoảng 1500 kỹ sư, cử nhân, thạc sĩ về ATTT tốt nghiệp. Ngoài ra, các cơ sở đào tạo trọng điểm cũng cử gần 100 lưu học sinh học đại học chuyên ngành ATTT theo diện học bổng ngân sách nhà nước và học bổng Hiệp định (tại Bỉ, Hung-ga-ri, Nga và Pháp) do Bộ GD&ĐT quản lý.
Đối với nhiệm vụ đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài cho cán bộ ATTT, phương thức thực hiện được phê duyệt trong Đề án 99 là lồng ghép với các chương trình, dự án đào tạo đã có do Ban Tổ chức Trung ương chủ trì (Đề án 165), Bộ GD&ĐT chủ trì (Đề án 911 và Đề án 599). Các khóa đào tạo ngắn hạn được triển khai theo các hình thức như sau: Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho lực lượng cơ yếu từ Trung ương đến địa phương; Bộ TT&TT chủ trì, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ làm về ATTT và CNTT tại các cơ quan nhà nước, theo hướng lựa chọn một số nội dung cơ bản và chuyên sâu phù hợp với định hướng quản lý về ATTT; các Bộ, ngành, địa phương chủ trì, tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn cho các cán bộ liên quan của Bộ, ngành, địa phương mình theo nhu cầu và yêu cầu thực tế của mỗi Bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, trong thời gian vừa qua, Ban Cơ yếu Chính phủ và nguồn lực xã hội hóa đã tổ chức tập huấn, đào tạo ngắn hạn nâng cao kiến thức, kỹ năng về ATTT cho hàng nghìn cán bộ làm về ATTT và CNTT tại các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Một số kết quả đào tạo ATTT tại Học viện KTMM
Sớm nhận thức được vấn đề đào tạo nguồn nhân lực ATTT là rất quan trọng, năm 2004, Học viện KTMM đã đề xuất và được Ban Cơ yếu Chính phủ cùng Bộ GD&ĐT cho phép mở chuyên ngành đào tạo ATTT, thuộc ngành CNTT, nay là ngành ATTT.
Ngay khi được phép đào tạo ngành ATTT, Khoa An toàn thông tin cũng được thành lập. Học viện đã xây dựng chương trình, giáo trình phục vụ đào tạo. Đến nay, Học viện đã có 11 khóa với hơn 1.800 sinh viên đã tốt nghiệp chuyên ngành ATTT.
Gần 85% sinh viên tốt nghiệp có việc làm đúng chuyên ngành, tập trung chủ yếu vào các cơ quan trọng yếu về ATTT của Bộ Công an, Bộ TT&TT, Ban Cơ yếu Chính phủ và các tập đoàn lớn như Tập đoàn Viettel, Tập đoàn CMC, Tập đoàn FPT, Tập đoàn Samsung Việt Nam, Công ty Misoft, Công ty Mi2, Công ty VNCS,... Đặc biệt, có nhiều sinh viên được các doanh nghiệp tuyển dụng khi còn chưa tốt nghiệp.
Ngoài các loại hình đào tạo chính quy, Học viện cũng đào tạo văn bằng 2 ngành ATTT từ năm 2013. Năm 2014, khi phê duyệt Đề 99, Học viện KTMM chính thức là một trong 08 cơ sở trọng điểm đào tạo ATTT trong cả nước. Học viện cũng được Ban Cơ yếu Chính phủ tin tưởng, giao cho việc tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn về ATTT trong khuôn khổ Đề án 99 cho cán bộ, chiến sĩ, nhân viên cơ yếu trong cả nước.
Từ những thành công ban đầu, Học viện tiếp tục mở rộng các bậc đào tạo. Từ năm 2014, Học viện đã tổ chức đào tạo trình độ thạc sĩ ATTT định hướng theo hai chuyên ngành hẹp là Quản lý ATTT và Kỹ thuật ATTT.
Cho đến nay, có 04 khóa với 180 thạc sĩ đã tốt nghiệp và đang tuyển sinh khóa thứ 6. Với chất lượng đội ngũ hiện có và kinh nghiệm đào tạo đại học, sau đại học và nghiên cứu khoa học, năm 2018, Học viện đã xây dựng Đề án đề nghị cấp phép đào tạo Tiến sĩ ATTT và đã được Bộ GD&ĐT cho phép đào tạo. Khóa Tiến sĩ ATTT đầu tiên của Học viện đã tuyển sinh bắt đầu từ cuối năm 2019 với 4 nghiên cứu sinh trúng truyển. Đây là một bước tiến mới của Học viện, là thành quả xứng đáng cho những nỗ lực của tập thể cán bộ trong suốt những năm vừa qua.
Thiếu tướng Lê Xuân Trường trao Bằng khen của Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ cho Khoa An toàn thông tin năm 2019
Để đáp ứng yêu cầu thay đổi theo xu hướng chung của thế giới, trên cơ sở tham khảo các chương trình đào tạo tiên tiến của các trường đại học hàng đầu thế giới trong lĩnh vực ATTT, năm 2018, Học viện đã thực hiện việc đổi mới chương trình Kỹ sư ATTT với ba chuyên ngành: An toàn hệ thống thông tin, Công nghệ phần mềm an toàn và Kỹ nghệ an toàn mạng, trong đó, chuyên ngành Kỹ nghệ an toàn mạng được đào tạo theo định hướng chất lượng cao. Cùng với các chương trình đã xây dựng, Học viện đã xây dựng được nhiều bài giảng, giáo trình đào tạo trình độ thạc sĩ, đào tạo ngắn hạn và 23 bộ giáo trình cho đào tạo kỹ sư ATTT. Các chương trình, giáo trình được biên soạn, đổi mới theo hướng chú ý đến việc hình thành kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngoài kỹ năng phòng thủ; sinh viên tốt nghiệp ra trường còn có các kỹ năng tác nghiệp an toàn mạng chuyên sâu như: điều tra số, đánh giá và kiểm thử an toàn thông tin, khai thác lỗ hổng phần mềm và phân tích mã độc.
Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong 15 năm qua (2004 - 2019), Học viện cũng đang đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ. Trong xu hướng Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra, Việt Nam đang hướng tới một chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số đã đặt ra những thách thức rất lớn trong việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin cho các cơ quan, tổ chức, dẫn đến nhu cầu nguồn nhân lực ATTT ngày càng tăng lên về cả số lượng và chất lượng. Vì vậy, Khoa ATTT cần tiếp tục đổi mới chương trình và phương thức đào tạo để sinh viên ra trường có thể đáp ứng được các yêu cầu của xã hội, đồng thời, góp phần xây dựng Học viện, giữ vững vị thế là địa chỉ đào tạo ATTT uy tín tại Việt Nam.
Xu hướng đào tạo ATTT trong thời gian tới
Xu hướng đào tạo nhân lực tại Việt Nam và trên thế giới trong thời gian tới là tích hợp đào tạo chính quy ATTT bậc đại học và sau đại học vào hệ thống chương trình giáo dục. Một số xu hướng đào tạo trong thời gian tới như sau:
- ATTT trở thành một ngành độc lập: trước đây ATTT là một lĩnh vực thuộc các ngành khác như ngành khoa học máy tính hoặc kỹ thuật. ATTT trở thành một lĩnh vực thu hút nguồn nhân lực trong việc nghiên cứu và đào tạo. Chương trình đào tạo ATTT cần phải đào tạo nhiều nhà khoa học, kỹ sư ATTT có kỹ năng thực hành và khả năng thiết kế và phát triển các hệ thống an toàn.
- Đào tạo ATTT là vấn đề toàn cầu: vấn đề ATTT không thể tách rời ở từng quốc gia và không phân chia ranh giới. Do vậy, đào tạo ATTT trở thành vấn đề chung, các cơ sở đào tạo cần chia sẻ và hợp tác nội dung chương trình đào tạo ATTT lẫn nhau trên toàn thế giới. Học giả từ các quốc gia phát triển ATTT tăng cường hợp tác chính thức với quốc gia kém phát triển hơn để giúp giảm thiểu khoảng cách về kỹ năng ATTT.
- Tiếp cận đào tạo ATTT theo hướng toàn diện: liên kết các lĩnh vực kỹ thuật khác và cả với các lĩnh vực phi kỹ thuật để tạo ra một chương trình giảng dạy có cách tiếp cận toàn diện và liên ngành.
- Đào tạo ATTT gắn liền với thực tiễn: xu hướng đào tạo nhằm cung cấp sinh viên có kinh nghiệm thực tiễn. Trong đó, doanh nghiệp, chính phủ hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo trang thiết bị, phòng thí nghiệm và đưa ra các dự án ATTT thực tế nhằm hợp tác nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực theo nhu cầu thực tế.
- Tạo ra một ngành khoa học về ATTT: tập trung tạo ra một ngành khoa học từ khái niệm cơ bản, nền tảng cho đến chuyên sâu. Ngành khoa học này nhấn mạnh vào dự đoán các vấn đề an ninh ATTT, không chỉ đơn thuần đối phó với các cuộc tấn công mà nó cần phải bao gồm các phương pháp luận khoa học.
- Về cách thức đào tạo ATTT: Bên cạnh việc phát triển loại hình đào tạo chính quy ATTT, một xu hướng tiếp cận quan trọng khác đối với đào tạo ATTT là thông qua các cuộc thi ATTT trong nước và quốc tế hoặc tham gia vào các dự án ATTT.
Trong thời gian qua, Học viện KTMM đã tổ chức cho các sinh viên tham gia các cuộc thi ATTT trong và ngoài nước, có thể kể đến 10 năm liên tiếp đội thi của Học viện đạt giải thưởng cao tại cuộc thi “Sinh viên với ATTT” do Hiệp hội ATTT Việt Nam tổ chức; nhiều sinh viên khi ngồi trên ghế nhà trường đã tham gia nhiều giải do các hãng công nghệ lớn tổ chức như Microsoft, Malwarebytes…
Bên cạnh đó, doanh nghiệp và chính phủ có thể khuyến khích và cải thiện chuyên môn ATTT bằng cách tài trợ học bổng để giúp sinh viên đủ khả năng tham gia các khóa sau đại học về ATTT.
Ngoài ra, xu hướng đào tạo theo cách tiếp cận phổ biến rộng rãi hơn là mở các khóa học trực tuyến mở (Open Online Course - OCC) nhằm mục đích tham gia tương tác quy mô lớn và truy cập mở qua Internet. Bất cứ ai có kết nối Internet đều có thể truy cập các OOC. OOC là một tài nguyên mà người dùng Internet có thể sử dụng để bắt đầu sự nghiệp của mình trong lĩnh vực ATTT.
- Chương trình đào tạo thay đổi phù hợp nhằm trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Các chuyên gia ATTT ngoài khả năng đảm bảo ATTT còn phải có các kỹ năng và kiến thức rất chuyên sâu như: thuật toán, lập trình, hệ thống, mạng máy tính, cơ sở dữ liệu, phân tích mã độc, điều tra số, khai thác lỗ hổng bảo mật phần mềm, thậm chí thực hiện các tấn công khi cần thiết.
- Ngoài những công việc mang tính phổ biến trong thời gian tới như: phân tích và thiết kế an toàn hệ thống thông tin, quản lý ATTT, điều tra số, xử lý và ứng phó sự cố, phân tích an ninh mạng, quản lý SIEM,… cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng 4.0, các chuyên gia an ninh mạng cần phải có kiến thức chuyên sâu trong nhiều lĩnh vực từ kiến trúc CNTT, dịch vụ đám mây, quy trình kinh doanh và thiết di động. Một xu hướng trong an ninh mạng sẽ ảnh hưởng đến công việc trong lĩnh vực CNTT trong ững năm tới sẽ bao gồm: trí tuệ nhân tạo, an toàn điện toán đám mây, an toàn cho IoT, an toàn cho mobile, xử lý dữ liệu lớn.
Để đáp ứng được xu thế này, Học viện KTMM đã xây dựng phòng lab tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng môi trường thực hành an ninh mạng tiên tiến.