Cùng dự Hội nghị có các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ: Thiếu tướng Nguyễn Đăng Lực; Thiếu tướng Nguyễn Hữu Hùng; Lãnh đạo các hệ Cơ yếu và các cơ quan, đơn vị thuộc Ban.
Toàn cảnh tại Hội nghị
Hội nghị thống nhất đánh giá 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù tình hình an ninh, chính trị thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhanh chóng, khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; một số điểm nóng leo thang, kéo dài, tác động sâu sắc, toàn diện tới mọi quốc gia; đặc biệt, nhu cầu ngày càng lớn về bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương; lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, toàn diện, đồng bộ hoạt động công tác cơ yếu, hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc.
Tại Hội nghị, Tạp chí An toàn thông tin đã trình chiếu video clip báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2024 của ngành Cơ yếu Việt Nam. Các nhiệm vụ chính nổi bật là: Đẩy mạnh triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 5/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, trọng tâm là các chương trình, đề án của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đảm bảo tiến độ, hiệu quả. Công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được chú trọng, tạo hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất; nâng cao và tiếp tục khẳng định về vị thế, vai trò công tác quản lý nhà nước về cơ yếu trong tình hình mới. Đặc biệt, báo cáo Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Chính phủ ban hành Nghị định số 01/2024/NĐ-CP, Nghị định số 02/2024/NĐ-CP, Nghị định số 68/2024/NĐ-CP; đã hoàn thiện và trình Chính phủ hồ sơ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 69/2013/NĐ-CP… Công tác tuyên truyền, phổ biến được đẩy mạnh, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành về vị trí, vai trò và chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cơ yếu. Tổ chức các Đoàn công tác của ngành Cơ yếu làm việc với các bộ, ngành, địa phương về công tác cơ yếu, bảo mật và an toàn thông tin; cử cán bộ trực tiếp giảng dạy chuyên đề quản lý nhà nước về cơ yếu cho đối tượng học viên cao cấp lý luận chính trị đạt nhiều kết quả tốt.
Lãnh đạo Ban Cơ yếu Chính phủ thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm đến hoạt động nghiên cứu khoa học - công nghệ mật mã, có ưu tiên trọng tâm, trọng điểm nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo sản phẩm mật mã phục vụ triển khai Chính phủ điện tử, Chính phủ số, bảo mật cơ sở dữ liệu, xây dựng hệ sinh thái sản phẩm bảo mật của ngành và thông minh hóa, hiện đại hóa các dòng sản phẩm đang triển khai. Tổ chức triển khai kế hoạch nhiệm vụ, dự toán ngân sách năm 2024 đảm bảo hiệu quả, tiến độ đề ra. Các cơ sở sản xuất được củng cố, phát triển, đủ năng lực đáp ứng triển khai cho các bộ, ban, ngành, địa phương. Triển khai đồng bộ, toàn diện các mặt công tác pháp chế, thanh tra, kiểm tra theo Kế hoạch; chủ động rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy định hành chính; công tác truyền thông được tăng cường, việc triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chuyển đổi số được chú trọng…
Hội nghị cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế cả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện trên một số mặt công tác cơ yếu cần nghiêm túc khắc phục trong thời gian tới.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thiếu tướng Vũ Ngọc Thiềm, Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ biểu dương những nỗ lực của toàn thể cán bộ, nhân viên, người lao động trong toàn Ban và ngành Cơ yếu. Đồng chí Trưởng ban đề nghị ngành Cơ yếu Việt Nam trong 6 tháng cuối năm tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045; trọng tâm là các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Khẩn trương tổ chức tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến cơ yếu, nhất là Nghị định 01, 02, 68 và các Nghị định thay thế Nghị định 58, 69 sau khi được ban hành. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, triển khai thực hiện nghiêm túc các nghị định tại các văn bản quy phạm pháp luật về cơ yếu, các văn bản quản lý Ngành đi vào đời sống.
Đồng chí Trưởng ban yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, rà soát về chức năng, nhiệm vụ; đề xuất việc luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, nhân viên, thực hiện quản lý chặt chẽ đội ngũ cán bộ, nhân viên. Cục Chính trị - Tổ chức tham mưu đẩy mạnh công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của ngành Cơ yếu theo hướng trọng tâm, trọng điểm, toàn diện để có được đội ngũ cán bộ trình độ cao, làm việc hiện đại. Phối hợp chặt chẽ với học viện, nhà trường tham mưu Lãnh đạo Ban trong việc tăng cường bồi dưỡng, đưa nội dung quản lý nhà nước về công tác cơ yếu vào giảng dạy tại các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo quản lý (từ cấp Trung ương đến địa phương). Triển khai thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số trong Ban Cơ yếu Chính phủ.; tiếp tục tham mưu đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và nhân dân về nguy cơ lộ lọt, mất an toàn thông tin và vị trí, vai trò của hoạt động cơ yếu, của Ban Cơ yếu Chính phủ, ngành Cơ yếu Việt Nam đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.
Cũng tại Hội nghị, đồng chí Trưởng ban đã kêu gọi toàn thể cán bộ, nhân viên trong toàn ngành Cơ yếu tiếp tục nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng, giao phó, thiết thực hướng tới Kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống ngành Cơ yếu Việt Nam (12/9/1945 - 12/9/2025) và xây dựng Ngành cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại.