Cái “duyên” đến với ngành Cơ yếu
Ông Khôi với giọng nói trầm ấm, nhưng ánh mắt đầy kiên định kể lại “cái duyên” đến với ngành Cơ yếu của mình. Năm 1972, khi đang trên đường hành quân vào chiến trường Quảng Trị ác liệt, ông bất ngờ được Ban Cơ yếu Sư đoàn 325 tuyển chọn và cử đào tạo về công tác cơ yếu. Từ đó, ông gắn bó với ngành Cơ yếu cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Nguyễn Văn Khôi (áo trắng) cùng đồng nghiệp (năm 2005)
Công việc của một chiến sĩ cơ yếu trong thời chiến phải đối mặt với vô vàn khó khăn, từ việc thiếu thốn trang thiết bị, điều kiện làm việc khắc nghiệt cho đến áp lực phải đảm bảo thông tin được truyền đi chính xác và kịp thời.
“Khó khăn, thử thách thì đúng là nhiều”, ông Khôi chia sẻ. “Nhưng chúng tôi luôn tâm niệm phải hoàn thành tốt nhiệm vụ. Mỗi bức điện mật đều mang trong mình sứ mệnh thiêng liêng, quyết định đến sự sống còn của đồng đội, của cả dân tộc”.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông Khôi là người trực tiếp phục vụ mã dịch điện mật cho Bộ Chính trị và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những thông điệp mang tính quyết định trong những thời khắc lịch sử của dân tộc.
Bức điện mật lịch sử
Những ngày tháng chiến đấu gian khổ đã để lại trong ông nhiều kỷ niệm khó quên. Ông nhớ lại những lần cùng đồng đội giải mã điện mật, bảo vệ thông tin chỉ đạo, chỉ huy, góp phần vào thắng lợi của nhiều chiến dịch quan trọng.
Trong ký ức của ông Khôi, có một bức điện mật đặc biệt quan trọng, đã đi vào lịch sử dân tộc. Bức điện mệnh lệnh khẩn cấp, ký tên “Văn” vào ngày 7/4/1975, báo hiệu thời khắc quyết chiến cuối cùng. Đó chính là Bức điện khẩn do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ký tên.
Bức điện mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975
“Bức điện ấy thể hiện quyết tâm sắt đá của Đảng và Nhà nước, phải đánh nhanh, thắng nhanh để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”, ông Khôi nhớ lại. “Tôi và một đồng đội đã giải mã bức điện chỉ trong 7 phút, nhanh chóng truyền đạt đến các đơn vị chiến đấu. Đó là một khoảnh khắc không thể nào quên”.
Bức điện vừa là mệnh lệnh, vừa là lời hịch cổ vũ tinh thần đối với chỉ huy, chiến sĩ trên chiến trường vào thời điểm vô cùng quan trọng trong cuộc chiến. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc ta đã ra quân với khí thế ấy, tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội. Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Mệnh lệnh ấy thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ có tiến công và xốc tới của quân và dân ta trong thời điểm lịch sử gần 50 năm trước. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân động viên và tổ chức sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng hướng vào mục đích giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.
Giữ bí mật - Sứ mệnh thiêng liêng của người chiến sĩ cơ yếu
Khi được hỏi về yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo an toàn thông tin mật, ông Khôi khẳng định: “Giữ bí mật là quan trọng nhất. Đó là bí mật chỉ huy của Đảng và Nhà nước, của dân tộc”. Ông và đồng đội luôn tâm niệm câu nói “Sống để bụng, chết mang theo”, tuyệt đối không để lộ bí mật dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào.
Dù đã nghỉ hưu, nhưng ông Khôi vẫn luôn dõi theo và tin tưởng vào sự phát triển của ngành Cơ yếu. Ông cho rằng, với sự phát triển của công nghệ thông tin, ngành Cơ yếu cần phải không ngừng nghiên cứu, đổi mới để bảo vệ an toàn thông tin trong thời đại mới.
“Tôi tin tưởng vào các đồng nghiệp của mình, họ sẽ tiếp tục phát huy truyền thống vẻ vang của ngành, giữ gìn bí mật quốc gia, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, ông Khôi chia sẻ với ánh mắt đầy tin tưởng.
Nhiều thập kỉ đã trôi qua, ông vẫn thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Mật mã phải bí mật, nhanh chóng, chính xác. Các chú làm mật mã phải bí mật và đoàn kết”. Ông và đồng đội của mình, đã đóng góp những chiến công thầm lặng cho chiến thắng vĩ đại của dân tộc.
Câu chuyện của ông Nguyễn Văn Khôi là một minh chứng sống động cho sự hy sinh thầm lặng và những đóng góp to lớn của những người lính cơ yếu trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Những cống hiến của họ, dù không được ghi danh trên bảng vàng chiến công, nhưng mãi mãi là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam.