Thủ tướng Chính phủ: Xây dựng Tòa án điện tử phải đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống

22:03 | 16/06/2024

Chiều 16/6, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đã đến dự Hội nghị giới thiệu mô hình chuyển đổi số thành công cấp bộ, ngành của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC).

Cùng dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số; các đồng chí thành viên Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số;

Tham dự Hội nghị còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện lãnh đạo các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các đồng chí lãnh đạo, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC… Hội nghị trực tuyến tại hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND.

Các đại biểu dự Hội nghị

Báo cáo kết quả công tác chuyển đổi số trong TAND được trình bày bằng video clip tại Hội nghị, cho thấy: Thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng trong đó chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử của ngành Tòa án nhân dân đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đặc biệt, việc xét xử trực tuyến được triển khai tại Tòa án các cấp với hàng chục nghìn vụ án được xét xử trực tuyến, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân và xã hội. Từ đầu năm 2022 đến nay, TAND các cấp đã phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng, tổ chức xét xử trực tuyến được gần 20 nghìn vụ án, tiết kiệm khoảng 100 tỷ đồng. 

Đối với cơ quan tư pháp, trong quá trình thực hiện các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp, nhất là từ sau Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, chủ trương xây dựng Tòa án điện tử đã được Chánh án TANDTC đề ra và đặt mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử - đây được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án. Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử luôn được lãnh đạo Tòa án xác định là nhiệm vụ cấp thiết, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý và theo đúng yêu cầu của Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”…

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Bên cạnh đó, an toàn, an ninh mạng là trọng tâm của quá trình chuyển đổi số, là trụ cột quan trọng tạo lập niềm tin số và phát triển của Tòa án điện tử trong kỷ nguyên số. Để chủ động ứng phó với các thách thức lớn, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm an toàn thông tin của Tòa án điện tử, TANDTC đã đẩy mạnh hợp tác, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin nhằm khai thác, tận dụng tối đa nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng an toàn thông tin để bảo vệ an toàn các hoạt động của Tòa án điện tử trên không gian mạng.

Theo ước tính của các chuyên gia và thực tiễn tại các nước, việc triển khai Tòa án điện tử sẽ tiết kiệm từ 10% đến 15% chi phí hoạt động của tòa án và chi phí xã hội do hiệu quả hoạt động được nâng cao, các hoạt động hành chính tư pháp và quản lý tòa dần được tự động hóa; các hoạt động tố tụng và nội bộ được tiến hành trực tuyến; người dân được thụ hưởng nền tư pháp văn minh, dễ dàng tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý, ít phải trực tiếp đến tòa án mà có thể thực hiện các hoạt động tố tụng qua các giao thức điện tử.

TANDTC cũng triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ thẩm phán nhằm nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, nâng cao hiệu quả và chất lượng hoạt động, phục vụ người dân. Nổi bật là, sử dụng phần mềm “Trợ lý ảo”, một phần hoạt động tố tụng sẽ được thực hiện tự động và do “Thẩm phán AI” xử lý và có kiểm soát, giám sát của Thẩm phán... Dự kiến đến năm 2025, “Trợ lý ảo” của Toàn án sẽ được TANDTC công khai để mọi người có thể truy cập và sử dụng như Trợ giúp pháp lý cho công dân và cơ quan, tổ chức nếu có nhu cầu.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phát biểu tại Hội nghị

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương sự nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các cấp, các ngành, các địa phương, sự đồng lòng, ủng hộ, tham gia tích cực của người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi số. Thủ tướng cũng đánh giá cao và chúc mừng những kết quả đạt được của ngành Tòa án nhân dân, nhất là trong công tác chuyển đổi số; góp phần quan trọng đấu tranh phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội, bảo vệ công lý, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm và xác định rõ chuyển đổi số quốc gia là nhiệm vụ chính trị quan trọng, là xu thế tất yếu và là yêu cầu khách quan trong công cuộc phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả và thực chất. Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số…

Công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta. 

Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ rõ một số khó khăn, thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số ngành Tòa án nói riêng, trong đó lưu ý một số vấn đề về xây dựng, hoàn thiện môi trường pháp lý, cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số còn chậm; Cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính chưa đáp ứng nhu cầu; Chất lượng cung cấp dịch vụ tư pháp công trực tuyến chưa cao, tỷ lệ dịch vụ tư pháp công trực tuyến phát sinh hồ sơ và tỷ lệ xử lý hồ sơ trực tuyến thấp; Hạ tầng số chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển, chưa có đột phá; Kết nối, tích hợp chia sẻ dữ liệu, số hóa dữ liệu; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dữ liệu số còn nhiều hạn chế, bất cập; Công tác an ninh mạng, an toàn thông tin ở nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tặng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”

Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị ngành Tòa án tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với ngành Tòa án là “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư", hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đồng thời, tiếp tục phát huy mạnh mẽ chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử với tinh thần “5 đẩy mạnh”: Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách trong chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử; Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, nền tảng số tạo tiền đề quan trọng trong xây dựng Tòa án điện tử và bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin trong mọi tình huống; Đẩy mạnh tạo lập dữ liệu số, tích hợp, kết nối, liên thông, chia sẻ liên tục, thông suốt, đồng bộ để nâng cao năng lực quản trị và thực thi của Tòa án trên nền tảng số; Đẩy mạnh phát triển nhân lực số, kỹ năng số và bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu phát triển Tòa án điện tử; Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng trong ngành Tòa án nhân dân để mọi cán bộ, công chức, thẩm phán đồng lòng hưởng ứng tham gia tiến trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách để đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tòa án nhân dân, phát triển Tòa án điện tử. Trong đó, sớm trình Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) và Bộ luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), tạo tiền đề cho các hoạt động tố tụng trực tuyến; quy định về chứng cứ điện tử; cơ sở khoa học và tính pháp lý của phục hồi chứng cứ điện tử, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các chủ thể tiến hành tố tụng điện tử.

Cùng với đó là việc đổi mới mô hình hoạt động sang quản lý trên nền tảng số; tăng cường công khai, minh bạch các hoạt động của Tòa án, nhất là trên Cổng thông tin điện tử Tòa án Nhân dân tối cao và các trang thông tin điện tử của các Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án các cấp; nâng cao năng lực quản trị, thực thi Tòa án trên nền tảng số; đẩy mạnh hiện đại hóa ngành Tòa án Nhân dân, nhất là phát triển hạ tầng số; xây dựng trung tâm dữ liệu, số hóa hồ sơ, tích hợp, chia sẻ thông tin, dữ liệu; phấn đấu 100% các lĩnh vực công tác của Tòa án nhân dân được chuyển đổi, quản trị thống nhất trên nền tảng số.

Thủ tướng đề nghị đẩy mạnh khai thác, sử dụng, phát triển nền tảng xét xử trực tuyến hướng tới 100% Tòa án nhân dân đủ điều kiện về trang thiết bị, nhân lực tổ chức xét xử trực tuyến được phép; sớm nghiên cứu đề xuất hoàn thiện nền tảng pháp lý về tố tụng điện tử; đẩy mạnh đơn giản hóa, tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính để nâng cao số lượng, chất lượng dịch vụ tư pháp công trực tuyến. Bên cạnh đó, ngành cần đơn giản hóa hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính cho người dân; nghiên cứu tích hợp với ứng dụng định danh cá nhân giúp người dân dễ dàng tiếp cận và sử dụng dịch vụ mọi lúc, mọi nơi mà không cần đến trực tiếp Tòa án.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao

Thủ tướng mong muốn và tin tưởng rằng, với truyền thống vẻ vang 79 năm cùng tinh thần đoàn kết, quyết tâm cao, không ngừng đổi mới sáng tạo, nỗ lực vươn lên cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, ngành Toà án sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử theo tinh thần Nghị quyết số 27/NQ-TW của Trung ương, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, yêu cầu đề ra theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân.

Để lại bình luận